Dịch COVID-19: Hỗ trợ lao động thất nghiệp; bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường

Một trong 10 điểm hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN
Một trong 10 điểm hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 5/11 đến 16h ngày 6/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.491 ca mắc mới, trong đó 11 ca nhập cảnh; 7.480 ca ghi nhận trong nước (giảm 7 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 3.108 ca trong cộng đồng).

Dịch COVID-19: Hỗ trợ lao động thất nghiệp; bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường ảnh 1Một trong 10 điểm hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Các tỉnh, thành phố có ca bệnh nhiều nhất là Đồng Nai (1.085 ca); Thành phố Hồ Chí Minh (986 ca); Bình Dương (921 ca); An Giang (490); Kiên Giang (475 ca); Cà Mau (318 ca); Tây Ninh (267 ca); Bạc Liêu (265 ca); Tiền Giang (229 ca); Bình Thuận (205 ca); Sóc Trăng (203 ca); Cần Thơ (201 ca); Đồng Tháp (198 ca); Hà Giang (146 ca); Long An (142 ca); Hà Nội (116 ca).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 961.038 ca mắc, trong đó có 839.101 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 22.470 ca tử vong. Hiện có 3.235 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó 2.283 ca thở oxy qua mặt nạ; 522 ca thở oxy dòng cao HFNC; 117 ca thở máy không xâm lấn; 300 ca thở máy xâm lấn; 13 ca ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).

Tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 5/11 đến 18 giờ ngày 6/11, Hà Nội ghi nhận 93 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 54 ca tại cộng đồng, 28 ca tại khu cách ly và 11 ca tại khu phong tỏa.

Trong số này, liên quan đến ổ dịch chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) có 28 ca; ổ dịch Yên Xá (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) có 14 ca; ổ dịch đường Bưởi (phường Cống Vị, quận Ba Đình) có 8 ca; ổ dịch thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh) có 7 ca; ổ dịch Phú La (quận Hà Đông) có 4 ca; ổ dịch tại Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) có 3 ca; ổ dịch tại phố Lê Đức Thọ (phường Mỹ Đình) có 2 ca; ổ dịch Thủ Lệ (phường Ngọc khánh, quận Ba Đình) có 1 ca; chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt có 12 ca; chùm sàng lọc ho, sốt có 8 ca; chùm liên quan các tỉnh có 5 ca; chùm thứ phát liên quan đến các tỉnh có 1 ca.

Liên quan đến khách sạn, nơi Đội tuyển Bóng đá nam Việt Nam đóng quân, có 8 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, ngày 6/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã thông báo khẩn tìm người tới tòa nhà Charmvit và khách sạn Grand Plaza ở số 117, đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) trong khoảng thời gian từ ngày 28/10 đến ngày 6/11.

UBND quận Cầu Giấy đã chỉ đạo cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ người lưu trú, làm việc tại khách sạn Grand Plaza và người làm việc ở tòa nhà văn phòng Charmvit. Có khoảng 3.000 người ở khu vực này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, bao gồm cả các thành viên Đội tuyển Bóng đá nam Việt Nam.

Thuốc molnupiravir có tính an toàn cao, hiệu quả rõ rệt

Sáng 6/11, Bộ Y tế thông tin về Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai.

Căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 22 địa phương có dịch trong toàn quốc.

Việc triển khai Chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt và được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế.

Các kết quả báo cáo giữa kỳ của Chương trình tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. Các kết quả rất khả quan của Chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai Chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia Chương trình.

Hơn 9,6 triệu lao động đã được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, một tháng qua, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã được triển khai với tinh thần khẩn trương, hiệu quả. Đến hết ngày 5/11, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã giải quyết hỗ trợ cho 9,67 triệu người lao động với tổng số tiền hơn 23,03 nghìn tỷ đồng. Mười địa phương có số người lao động được giải quyết hưởng hỗ trợ cao nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh (1,8 triệu lao động), Hà Nội (1,29 triệu lao động), Đồng Nai (704.134 lao động), Bình Dương (596.542 lao động), Hải Phòng (321.549 lao động), Hải Dương (315.900 lao động), Bắc Ninh (312.435 lao động), Thanh Hóa (234.746 lao động), Bắc Giang (219.947 lao động).

Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn có số người lao động nhận hỗ trợ lớn nhất nước. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố, chia sẻ, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, hầu hết công chức, viên chức trong đơn vị đều làm ngoài giờ, từ 15-16 tiếng/ngày, thậm chí có những người làm đến 12h đêm, 1h sáng. Dù áp lực rất lớn, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, đồng lòng, quyết tâm của toàn hệ thống, kết quả triển khai chính sách hỗ trợ của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đạt được rất khả quan, với khoảng 1,8 triệu người lao động đã được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đạt khoảng 85% kế hoạch.

Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đến nay Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ trên cho hơn 1,2 triệu người, với kinh phí hơn 2.952 tỷ đồng, đạt 74,3% số lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ. Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã thông báo giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động đối với 84.384 đơn vị, gồm hơn 1,426 triệu lao động. Số tiền giảm đóng bước đầu cho các đơn vị sử dụng lao động là hơn 367 tỷ đồng.

Học sinh lớp 9 của huyện Ba Vì được đi học trực tiếp từ ngày 8/11

Chiều 6/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có công văn số 3833 gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; các đơn vị trường học trực thuộc; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên để thông báo điều chỉnh một số nội dung về việc cho học sinh đi học trở lại.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Công văn số 3908 ngày 6/11, nhằm thực hiện từng bước đảm bảo an toàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thống nhất với đề nghị của UBND huyện Ba Vì cho học sinh khối lớp 9 tại các trường trung học cơ sở, phổ thông cơ sở thuộc 30 xã, thị trấn của huyện Ba Vì đi học trực tiếp từ ngày 8/11. Riêng học sinh khối 9 Trường Trung học cơ sở Văn Hòa sẽ được đến trường từ ngày 10/11. Học sinh của các khối lớp còn lại tiếp tục học trực tuyến, trẻ em cấp mầm non vẫn nghỉ học.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu UBND huyện Ba Vì có trách nhiệm chỉ đạo rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với các cơ sở giáo dục trên địa nhằm bàn bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các cơ sở giáo dục của 29 quận, huyện, thị xã còn lại tiếp tục tổ chức dạy và học trực tuyến đối với các cấp học, bậc học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên. Cấp học mầm non vẫn chưa được hoạt động.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, hiện nay dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đang có diễn biến phức tạp tại 20 trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã. Số ca F0 có xu hướng tăng lên, liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm liên quan tới việc tập trung đông người, xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng. Bên cạnh đó, học sinh các trường chưa được tiêm vaccine cho đến thời điểm này nên việc học sinh trở lại trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ lây nhiễm cao. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế Hà Nội sẽ có báo cáo và trình UBND thành phố về lộ trình tiếp theo việc cho học sinh trở lại trường học.

P. V

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm