Dịch COVID-19: Đắk Lắk kiểm soát chặt hoạt động vận tải hành khách

Phong tỏa khu vực sinh sống của bệnh nhân mắc COVID-19 tại xã Đắk Liêng, huyện Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Phong tỏa khu vực sinh sống của bệnh nhân mắc COVID-19 tại xã Đắk Liêng, huyện Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Ngày 3/7, Thông tin từ ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay sau khi ghi nhận trường hợp nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện Lắk mắc COVID-19, ngành Y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương truy vết và cấp bách triển khai các biện pháp dập dịch.

Trường hợp nhân viên y tế mắc COVID-19 có yếu tố dịch tễ tiếp xúc gần với bệnh nhân số 15921 và các trường hợp F1 của bệnh nhân 15921. Nhân viên y tế này đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Trường hợp này là P.T.T.T (sinh năm 1987, trú thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) là nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện Lắk; ngày 27/6, được điều đến làm việc tại khu cách ly Trung tâm Y tế huyện Lắk và có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 mã số 1592, có mặc trang phục bảo hộ. Ngày 27 đến 28/6 có đưa cơm và đo nhiệt độ cho bệnh nhân 15921. Ngày 28/6 chị T cùng lái xe đưa bệnh nhân 15921 lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk để điều trị.

Chiều 28/6, T đến buôn Drênh A, xã Đắk Liêng, huyện Lắk đón 11 người là F1 của bệnh nhân 15921 lên khu cách ly tập trung của huyện Lắk. Khoảng 10h30 ngày 29/6 tiếp tục đưa 6 trường hợp F1 của huyện Lắk lên khu cách ly tập trung của tỉnh Đắk Lắk.

Những lần tiếp xúc với bệnh nhân 15921 và các trường hợp F1, nhân viên y tế này đều mặc trang phục bảo hộ. Ngày 29/6 đến ngày 1/7 làm việc tại khu cách ly tập trung của huyện, tiếp xúc gần với các cán bộ y tế trong khu cách ly. Sáng 1/7, có biểu hiện chảy nước mũi, đến chiều tối có biểu hiện khàn giọng. Khoảng 20h, ngày 1/7 được làm test nhanh, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 2/7 CDC Đắk Lắk lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT – PCR, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, xét nghiệm khẳng định tại Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay trong đêm 2/7, ngành Y tế Đắk Lắk đã lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 91 cán bộ nhân viên Y tế, 33 bệnh nhân và 56 người nhà bệnh nhân đang diều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lắk kết quả âm tính với SARS-CoV-2, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR; tiến hành phun khử khuẩn tại khu vực nhà bệnh nhân, Trung tâm Y tế huyện Lắk; phong tỏa tạm thời Trung tâm Y tế huyện Lắk để sàng lọc, cách ly, xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nhân đang điều trị, người chăm sóc bệnh nhân, kể cả nhân viên y tế, nhân viên hành chính đang phục vụ, chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Y tế và tại khu cách ly tập trung của huyện Lắk.

Trước đó, ngày 28/6 tỉnh Đắk Lắk ghi nhận ca mắc COVID-19 là bệnh nhân 15921, trú xã Đắk Liêng, huyện Lắk. Ngày 26/6, bệnh nhân 15921 đi xe khách từ huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh về huyện Lắk. Sáng 27/6, bệnh nhân đến Trung tâm y tế huyện Lắk khai báo và lấy mẫu xét nghiệm. Tối 27/6, kết quả xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên là dương tính với SARS-CoV-2.

Liên quan đến vấn đề vận tải hành khách từ vùng dịch về Đắk Lắk, mặc dù ngày 16/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công văn số 5339, trong đó nêu rõ tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch từ tỉnh Đắk Lắk đến các địa bàn có dịch như Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân 15921 vẫn di chuyển bằng xe khách từ Thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Đắk Lắk. Điều đáng nói, việc này chỉ được phát hiện thông qua công tác điều tra dịch tễ và truy vết sau khi bệnh nhân 15921 dương tính với SARS-CoV-2.

Vụ việc trên cho thấy, rõ ràng đã có “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống dịch đối với hoạt động vận tải hành khách. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường thì một “ lỗ hổng” nhỏ rất có thể gây hậu quả lớn.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đắk Lắk ngày 29/6 vừa qua, đại diện nhiều đơn vị như huyện Krông Bông, Cư Kuin, Lắk, Công an tỉnh đều nêu lên thực trạng khó kiểm soát hoạt động vận chuyển người từ vùng có dịch về Đắk Lắk, nhất là đối với các phương tiện như xe khách, xe hợp đồng, taxi, xe ô tô và xe máy cá nhân, thậm chí có dấu hiệu nhà xe hợp thức hóa giấy tờ để vận tải hành khách từ các vùng dịch về địa phương.

Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho rằng vẫn còn tình trạng phương tiện, hành khách từ các vùng có dịch về tỉnh chưa được kiểm soát chặt chẽ; tổ COVID-19 cộng đồng và lực lượng chức năng của một số địa phương còn tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch… ; yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố đánh giá nghiêm túc, có biện pháp khắc phục các tồn tại để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, ngày 2/7, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải và bến xe trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng, xe taxi, xe du lịch từ Đắk Lắk đi các tỉnh, thành gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hưng Yên, Lào Cai, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hòa Bình, thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) và ngược lại. Các phương tiện vận tải hành khách có hành trình đi qua địa bàn các địa phương trên không được dừng, đỗ tại Đắk Lắk để đón, trả khách. Quy định này được áp dụng từ 0 giờ ngày 3/7 đến khi có thông báo mới.

Đến sáng 3/7, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 6 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca đã được điều trị khỏi bệnh.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm