Dịch COVID-19: Các biện pháp nới lỏng phải thực hiện trên cơ sở khoa học về phòng, chống dịch

Dịch COVID-19: Các biện pháp nới lỏng phải thực hiện trên cơ sở khoa học về phòng, chống dịch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trương Ban chỉ đạo phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trương Ban chỉ đạo phát biểu.
Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 sáng 22/4, các ý kiến nhận định: Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn, việc thực thi hiệu quả và nhất là tuyên truyền tốt, nên cả hệ thống xã hội đồng lòng và cùng vào cuộc. Khi tình hình có diễn biến xấu, nhanh, công tác thông tin được làm tốt nên về cơ bản, toàn xã hội và bộ máy chính quyền không bị động hay hoảng loạn. Hiện nay, tình hình đã tốt hơn nhưng không được phép chủ quan. Đã có nhiều bài học trên thế giới chỉ ra điều này. Vì vậy, các biện pháp nới lỏng phải được thực hiện trên cơ sở khoa học về phòng, chống dịch và khoa học xã hội. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã giao các nhóm chuyên gia khác nhau tìm hiểu và trao đổi, tham khảo địa phương để nắm sát tình hình từng địa bàn và tăng cường trách nhiệm của từng địa phương. Điều đáng mừng là tuần qua, khi Ban Chỉ đạo đã thống nhất, đưa ra các nhóm tiêu chí chủ quan, khách quan để đánh giá tình hình tại địa phương. Kết quả cho thấy tất cả các địa phương đều dựa vào đó để đánh giá, các yếu tố chủ quan đã được chú ý, tăng cường nhiều hơn ở các tỉnh. Sau khi thực hiện quyết định và tham khảo các địa phương, Ban Chỉ đạo đã đề xuất và được Thủ tướng đồng ý đưa 12 tỉnh vào nhóm nguy cơ cao; 15 tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và các tỉnh còn lại là nhóm nguy cơ thấp. Sau 1 tuần, các tỉnh đã tập trung thực hiện và từng khâu đều được chú ý. Qua trao đổi với các địa phương và đánh giá qua hệ thống, có 11 tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ cao và nhóm có nguy cơ tự đánh giá  không còn ở mức nguy cơ đó nữa. Cụ thể, có 3/12 tỉnh đánh giá địa phương vẫn còn nguy cơ cao; 8/15 tỉnh thuộc đánh giá không thuộc nhóm nguy cơ. Các ý kiến cho rằng việc tự đánh giá của các tỉnh là hết sức thận trọng nhưng bộ phận chuyên môn của Ban Chỉ đạo đánh giá: chỉ có Hà Nội vẫn ở mức nguy cơ cao. Ba tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Bắc Ninh được đánh giá có nguy cơ. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù ca bệnh được phát hiện gần đây nhất đã 25 ngày nhưng vì yếu tố đô thị lớn nên vẫn đánh giá ở mức nguy cơ, cần tiếp tục chú trọng. Đối với Bắc Ninh, ca bệnh mới nhất được phát hiện là 11/4, chưa qua 14 ngày nên vẫn tiếp tục phải theo dõi, giám sát. Tại Hà Giang, dù ca mới nhất đã qua 14 ngày nhưng nguy cơ dịch tễ vẫn cao. Các tỉnh còn lại được đánh giá nguy cơ thấp. Ban Chỉ đạo ghi nhận ý kiến của bộ phận chuyên môn và thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ theo nội dung trên. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4/2020) đối với Hà Nội nhưng cho phép chính quyền Hà Nội căn cứ vào tình hình thực tiễn có biện pháp nới lỏng hơn so với chỉ thị; được quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này. UBND tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ: Công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên; tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh việc lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở khu vực này.
Phúc Hằng

Có thể bạn quan tâm