Di tích Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 là di tích khảo cổ quốc gia

Di tích Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 là di tích khảo cổ quốc gia
Quang cảnh buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích khảo cổ quốc gia Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 và di tích khảo cổ cấp tỉnh Bãi Tiên. Ảnh: K GỬIH-TTXVN
Quang cảnh buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích khảo cổ quốc gia Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 và di tích khảo cổ cấp tỉnh Bãi Tiên. Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Di tích Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 nằm trên địa bàn xã Lộc Tấn, được phát hiện vào năm 1999, khai quật năm 2000. Cấu tạo điểm di tích gồm 2 vòng thành được đắp cao chạy song song, ở giữa 2 vòng thành là hào sâu. Người tiền sử đắp các vòng đất cao và hào sâu tạo thành đường tròn dạng thành, là nơi cư trú có phòng ngự của cộng đồng dân cư cổ.

Đây là di tích Thành đất hình tròn rộng nhất và còn nguyên vẹn nhất trong các di tích thuộc loại hình này ở Bình Phước. Qua kết quả nghiên cứu về di tích, đây là loại hình di tích độc đáo riêng của Bình Phước, loại hình cư trú cổ xưa của người tiền sử. Ngoài ra, đây cũng là một mảng văn hóa cổ đặc biệt trong dòng chảy văn hóa ở khu vực Đông Nam Á thời tiền sử, di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam.

Với những ý nghĩa và giá trị đó, di tích được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước công nhận là di tích khảo cổ cấp tỉnh tại Quyết định số 2941/QĐ-UBND ngày 15/11/2016; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích khảo cổ quốc gia tại Quyết định số 409/QĐ-BVHTTDL ngày 29/1/2019.
 
Hình ảnh về hiện trạng di tích khảo cổ Bãi Tiên. Ảnh: K GỬIH-TTXVN
Hình ảnh về hiện trạng di tích khảo cổ Bãi Tiên. Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Di tích Bãi Tiên là di tích khảo cổ có đặc điểm riêng, lạ, được phát hiện trên địa bàn xã Lộc An, huyện Lộc Ninh. Di tích được các nhà khoa học phát hiện vào cuối năm 2007. Qua kết quả nghiên cứu, bước đầu cho thấy, đây là công trình có sự sắp đặt của bàn tay con người, loại hình di tích khá đặc biệt, lần đầu tiên được ngành khảo cổ học phát hiện. Bãi Tiên còn có tên gọi khác là mộ cổ ông Rlem gần với truyền thuyết về ông Rlem và lễ hội Phá bàu của đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống tại khu vực này.

Di tích Bãi Tiên là một bãi đá ong nằm trên một mỏm đồi thấp, với các tảng đá ong, có kích thước khác nhau phân bố trên diện tích khoảng 1 ha. Chính giữa của bãi đá là cụm đá ong được xếp thành vòng tròn, bên trong vòng tròn đá ong là một vòng đá ong xếp theo hình vuông. Trước đây, khu vực Bãi Tiên rất đẹp, có bàu nước, bãi đá và đặc biệt có những cây đa rất lớn với nhiều cành vươn xa đến vài chục mét. Khi đó, ông Rlem là người khỏe mạnh, thân hình cao lớn, có công khai phá, dẫn dắt đồng bào về khai hoang, sinh sống tại khu vực này nên rất được kính trọng. Vào mùa khô, theo văn hóa truyền thống, đồng bào S’tiêng tổ chức lễ hội phá bàu bắt cá. Họ bắt cá bằng nơm, đồ xúc cá… sau khi bắt cá sẽ nướng và ăn uống, vui chơi ngay tại bàu nước này. Vì vậy, di tích Bãi Tiên có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng nơi đây.
 
Di tích khảo cổ Bãi Tiên. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Di tích khảo cổ Bãi Tiên. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Với giá trị đó, ngày 29/6/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 1510/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích khảo cổ cấp tỉnh đối với di tích Bãi Tiên.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Di tích Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 được công nhận là di tích khảo cổ quốc gia và di tích Bãi Tiên được công nhận là di tích khảo cổ cấp tỉnh là sự tôn vinh và khẳng định giá trị lịch sử văn hóa, khoa học của di tích. Cùng với đó là sự ghi nhận nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Lộc Ninh, cơ quan, đơn vị liên quan đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc nói chung, di sản của tỉnh Bình Phước nói riêng.

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị 2 di tích trên, ông Nguyễn Tiến Dũng đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm quy định của Luật Di sản văn hóa, quy định liên quan về bảo vệ, tôn tạo, tu bổ, phát huy giá trị di tích. Ngành chức năng xây dựng, lắp đặt bảng tên di tích, bảng hướng dẫn chỉ đường đến di tích; hàng nội quy, hàng thuyết minh tại di tích. Các địa phương, ngành chức năng tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân đến tham quan, học tập tại di tích...

Huyện biên giới Lộc Ninh được biết đến là vùng đất với những địa danh cách mạng, giàu giá trị văn hóa. Từ lâu nơi đây là vùng đất định cư của cộng đồng các dân tộc. Nhiều dấu tích cư trú của con người còn để lại tại các di tích khảo cổ có giá trị được phát hiện trên địa bàn huyện.
K GỬIH
TTXVN

Có thể bạn quan tâm