Đi học nghề được hỗ trợ ăn trưa

Đi học nghề được hỗ trợ ăn trưa

Loay hoay chọn nghề
 
Chu Văn Hậu, dân tộc Nùng, ở xã Tú Trĩ, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn. Tốt nghiệp cấp 3, Hậu theo học trường văn hoá nghệ thuật, nhưng hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không có điều kiện tiếp tục học. Biết tin trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn có lớp đào tạo nghề sửa chữa ô tô, lại có nhiều chính sách ưu đãi như đi học được miễn học phí, có chỗ ở nội trú và hàng tháng được tiền trợ cấp nên Hậu đã đăng ký tham gia học khoa cơ khí từ năm 2014, chuyên ngành sửa chữa ô tô.

Nhu cầu việc làm lớn nhưng ít học viên học nghề cơ khí, xây dựng. Ảnh: baobackan.org.vn
Nhu cầu việc làm lớn nhưng ít học viên
học nghề cơ khí, xây dựng. Ảnh: baobackan.org.vn

Ngoài giờ học, Hậu được nhận làm việc tại xưởng sửa chữa ô tô Khánh Sơn. Vừa học vừa làm, nghề sửa chữa ô tô đã giúp Hậu đủ trang trải cuộc sống: “Em đi phụ việc lúc đầu được mỗi tháng 3 triệu. Trong dịp nghỉ hè này em làm cả sáng cả chiều luôn, có những lúc làm thêm chủ nhật, lương được đến 7-8 triệu. Người ta nhìn thấy mình làm tốt thì gọi mình về làm luôn chứ không phải đi xin việc”.

Thế nhưng tại trường Cao đẳng nghề nội trú Bắc Kạn, có những nghề nhu cầu việc làm rất lớn, lại rất ít học viên theo học, như nghề cơ khí, xây dựng. Chỉ có hơn 10/500 học viên của trường theo học các nghề này. Do khâu hướng nghiệp nghề yếu nên học viên tới khi vào học trường nghề vẫn loay hoay không biết học nghề gì.
 
Theo ông Trịnh Tiến Long, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề nội trú tỉnh Bắc Kạn, “tâm lý các em là nhìn thấy nghề gì nhàn thì cứ học đã, chưa biết sau này sẽ làm thế nào. Cho nên có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng, cơ khí đến đây để đòi cung ứng nguồn lao động nhưng mà không có”.
 
Phần lớn học viên của trường ưu tiên chọn học những nghề ít vất vả như nông lâm và dịch vụ. Vì vậy, ra trường, phần đông học viên lại trở về làm công việc nhà nông hoặc đi làm thuê nghề khác.
                  
Học nghề đang cần còn được nhận tiền ăn trưa
 
Sau 5 năm triển khai Quyết định 1956-TTg, 15.633 người lao động tại các địa phương của tỉnh Bắc Kạn đã được học nghề, một phần trong số đó đã có việc làm. Tỉnh thực hiện triệt để những chính sách ưu đãi đối với lao động nông thôn, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số.
 
Ông Hoàng Trọng Tuấn, Trưởng phòng quản lý đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn, cho biết: “Người học nghề sẽ được hỗ trợ nhiều điều kiện trong chính sách nội trú. Như học sinh là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ hoàn toàn các chi phí như là ăn ở, học tập và chi phí sinh hoạt khác. Khi có chương trình hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn thì người dân được hỗ trợ tiền ăn, theo quy định 1956 trước đây được hỗ trợ 15 nghìn đồng/ngày, hiện nay theo quyết định 1971 thì được hỗ trợ 30 nghìn/ngày”.
 
Học viên trường Cao đẳng nghề nội trú Bắc Kạn sẽ được hưởng thêm những chế độ theo quyết định 53 của Chính phủ. Ông Trịnh Tiến Long, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Các em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo thì được hưởng học bổng chính sách  bằng mức lương tối thiểu chung, cấp cho 12 tháng. Ngoài ra còn được hỗ trợ thêm một số đồ dùng học tập, chế độ đi về như chính sách nội trú trước đây ở các trường phổ thông. Người khuyết tật,  dân tộc thiểu số cũng được hưởng nhưng ở mức thấp hơn”.
 
Ngay từ khi tuyển sinh, trường Cao đẳng nghề nội trú Bắc Kạn chú trọng đào tạo những nghề hiện nay thị trường đang cần lao động, có chính sách ưu đãi để thu hút học viên. Như học viên học nghề cơ khí, xây dựng được hỗ trợ bữa ăn trưa 20 nghìn. 
 
Bắc Kạn đang tích cực liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, 2 năm nay, toàn tỉnh có hơn 100 thanh niên dân tộc thiểu số tham gia học nghề của Tập đoàn than khoáng sản. Số lao động này đã được bố trí việc làm tại các đơn vị khai thác than của tập đoàn, với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.
 

Có thể bạn quan tâm