Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng

Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng

Ngày 18/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai mạc trưng bày chuyên đề “Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng”.

Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng ảnh 1Khách thăm quan chuyên đề “Di chỉ Đồng Đậu – Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng” tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN

Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh là vùng đất cổ, nằm ở đỉnh tam giác châu thổ đồng bằng Bắc Bộ. Thời gian qua, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di tích thời tiền sơ sử tại địa phương. Một số di tích đã được khai quật là những khu cư trú, khu mộ táng hoặc trung tâm luyện đúc đồng thời dựng nước nổi tiếng trong cả nước như: di tích Đồng Đậu, Nghĩa Lập, Lũng Hòa, Gò Hội…

Với gần 500 hiện vật, tài liệu, hình ảnh khai thác từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Khảo cổ học Việt Nam được trưng bày khoa học, chân thực, thẩm mỹ và sinh động; nêu bật những giá trị đặc sắc, sự hội tụ, lan tỏa của di tích Đồng Đậu trong sự hình thành và phát triển của nền văn minh sông Hồng trong buổi đầu giữ nước của dân tộc. Theo đó, trưng bày chuyên đề gồm 4 phần: Di tích Đồng Đậu - Giá trị và đặc trưng tiêu biểu; Di tích Đồng Đậu trong bối cảnh thời đại kim khí ở Vĩnh Phúc; Di tích Đồng Đậu - Hội tụ trong đỉnh cao Đông Sơn; Di tích Đồng Đậu - Bảo vệ và phát huy giá trị.

Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng ảnh 2
Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng ảnh 3
Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng ảnh 4Một góc trưng bày hiện vật chuyên đề “Di chỉ Đồng Đậu – Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng” tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về lịch sử và những di sản văn hóa trên quê hương; góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...

Di chỉ Đồng Đậu thuộc thôn Đông Hai, xã Minh Tân (nay là thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) được phát hiện vào tháng 2/1962. Qua 7 lần khai quật, thám sát tại đây cùng nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định, Di chỉ Đồng Đậu là nơi chứa đựng, lưu tồn đậm đặc, tiêu biểu và kế tiếp, đan xen nhau của 4 tầng văn hóa trải dài theo quá trình hình thành, phát triển của con người, văn hóa Việt Nam. Đó là các tầng văn hóa: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. Hiện vật thu lượm được qua các lần khai quật ở Di chỉ Đồng Đậu vô cùng phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, đủ loại chất liệu (như đá, gốm, xương, đồng) cho thấy, Đồng Đậu là một di tích khảo cổ học có giá trị vào bậc nhất nước ta.

Trưng bày chuyên đề "Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng” được miễn phí tham quan, diễn ra đến ngày 15/1/2023.

Nguyễn Thảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm