Đền thờ Lê Hoàn - ngôi đền cổ nhất xứ Thanh đón nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt

Đền thờ Lê Hoàn - ngôi đền cổ nhất xứ Thanh đón nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt
Đền thờ Lê Hoàn tại xã Xuân Lập (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
Đền thờ Lê Hoàn tại xã Xuân Lập (Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn có phong cách kiến trúc đền thờ truyền thống của người Việt và nghi lễ bài trí gắn liền với tâm thức cổ truyền. Giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của đền thờ Lê Hoàn là lối kiến trúc hình chữ Công, có hệ vì kèo đặc trưng gồm giá chiêng, chồng rường, con nhị, kèo góc theo lối dầm đỡ chống nóc... tạo nên một sự liên kết vững chắc đối với các vì cũng như tổng thể ngôi nhà. Đền thờ Lê Hoàn còn có những bức chạm thủng, chạm nổi, chạm bong tinh xảo trên một đồ án bố cục chặt chẽ, thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của những nghệ nhân tài hoa. Đặc biệt, đền còn bảo tồn được những tài liệu, hiện vật cổ như văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, đại tự, hương án, khám thờ, tượng pháp, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ 1674 – 1887, 6 đạo lệnh chỉ của các chúa Trịnh, chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng Lê Hoàn...
 
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) trao Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn cho đại diện chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) trao Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn cho đại diện chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Đền thờ Lê Hoàn hiện được xem là ngôi đền cổ nhất xứ Thanh. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay, đền đã được tu bổ, tôn tạo khá khang trang nhưng vẫn bảo tồn nguyên dáng vẻ cổ kính. Qua nhiều thế kỷ tồn tại, đền thờ Lê Hoàn luôn là nơi hậu thế hướng về, bày tỏ sự thành kính, ngưỡng vọng, tri ân và thực hành các nghi lễ thờ cúng người anh hùng dân tộc - vị vua khai sáng vương triều Tiền Lê. Năm 1990, đền thờ Lê Hoàn được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Cuối năm 2018, đền thờ Lê Hoàn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn và khai hội Lễ hội Lê Hoàn 2019 là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh Thanh Hóa nói chung, của Đảng bộ và nhân dân huyện Thọ Xuân nói riêng. Đây cũng là dịp để nhân dân Thọ Xuân, nhân dân Thanh Hóa tri ân công lao và những đóng góp to lớn của ông cho lịch sử, cho đất nước và dân tộc. Cũng là dịp giới thiệu đến nhân dân, du khách thập phương trong, ngoài tỉnh về giá trị lịch sử - văn hóa các quần thể thuộc di tích Lê Hoàn.
Đọc chúc thư trong buổi lễ. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
Đọc chúc thư trong buổi lễ. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Lê Đại Hành Hoàng đế (tên húy là Lê Hoàn) sinh năm 941 tại làng Trung Lập thuộc Ái Châu (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân). Năm 16 tuổi, ông tham gia vào đội quân cứu nước của anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và trở thành một tướng tài, dẹp loạn 12 sứ quân. Khi lên ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng đã phong ông chức Thập đạo tướng quân, chỉ huy toàn bộ quân đội, là một vị tướng có lòng nhân ái khác thường, yêu thương binh sĩ nên được binh sĩ kính yêu sâu sắc. Năm 979, sau biến cố cung đình (Đỗ Thích đầu độc Vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trai Đinh Liễn), Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, Lê Hoàn được triều đình cử làm nhiếp chính, ông đã dốc hết sức để giữ vững triều chính nhưng quyền uy có hạn, nội bộ triều đình đã hình thành sự ngấm ngầm chia rẽ. Khi giặc Tống sang xâm lược, Lê Hoàn được quân sĩ ủng hộ, được Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào, chính thức lên ngôi năm 980, lúc ông vừa tròn 40 tuổi, đánh dấu cho sự ra đời của Vương triều Tiền Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc.
 
Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đánh trống khai hội Lễ hội Lê Hoàn 2019. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đánh trống khai hội Lễ hội Lê Hoàn 2019. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Lê Đại Hành Hoàng đế là người đã có công lớn trong lịch sử dựng nước, giữ nước. Ông là người kế tục công cuộc dựng nước còn dang dở của Đinh Tiên Hoàng, xây dựng chính quyền nước Đại Cồ Việt vững mạnh ở thế kỷ X. Trong suốt 24 năm trị vì của ông, đất nước luôn bình yên, cuộc sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc bởi nhiều cải cách được coi là những tiến bộ vượt bậc so với các triều đại phong kiến trước đây. Ghi ơn những công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân quê hương ông.

Trong khuôn khổ lễ hội, chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc tái hiện lại một thời vẻ vang, hào hùng của người anh hùng dân tộc Lê Hoàn trong sự nghiệp đánh Tống, bình Chiêm ở thế kỷ thứ X do các diễn viên đến từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa và đội văn nghệ quần chúng huyện Thọ Xuân trình diễn. Lễ hội Lê Hoàn sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 10 đến 12/4/2019 với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như: hội thi dựng trại binh thời Lê, các trò chơi, trò diễn dân gian, thi đấu vật, kéo co, cờ tướng, thi làm bánh lá răng bừa...
Hoa Mai
 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm