Đến Ninh Sơn trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp

Đến Ninh Sơn trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp

Nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023; đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, tỉnh Ninh Thuận kết hợp tổ chức Lễ hội trái cây huyện Ninh Sơn lần thứ I diễn ra từ ngày 15 - 17/6 tới đây, nhằm giới thiệu các loại trái cây ngon đặc sản, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch của địa phương tới du khách trong và ngoài nước.

Đến Ninh Sơn trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp ảnh 1Vườn cây si rô chuẩn bị cho thu hoạch của chị Nguyễn Ngọc Uyên Trinh ở thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Những ngày này, người dân ở xã miền núi Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn đang tất bật chăm sóc những vườn cây ăn quả đặc sản để phục vụ du khách tới tham quan, chụp ảnh, thưởng thức. Dẫn khách tham quan vườn trồng sầu riêng các giống Ri6, Monthong trĩu quả, những đợt gió thoảng qua mang theo mùi thơm nồng nàn của quả chín, ông Nguyễn Ngọc Thanh (chủ vườn trái cây Xuân Hùng) cho biết, gia đình đang tập trung chăm sóc 1,5 ha cây ăn quả gồm sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi theo hướng hữu cơ.

“Năm nay, các loại trái cây trong vườn sẽ chín rộ vào đúng vào dịp tổ chức lễ hội. Từ bây giờ, chúng tôi chuẩn bị kỹ hơn như cột dây những quả sầu riêng già lên cành, dùng túi bọc để bảo vệ quả bưởi, tránh bị côn trùng chích đốt; cắt cỏ, tỉa cành tán cây che lối đi trong vườn, làm thêm một số chòi lá, treo những giàn hoa leo làm chỗ nghỉ chân cho du khách khi tham quan. Chúng tôi chuẩn bị, bổ sung thêm nhiều dịch vụ, các món ăn dân dã tại vườn để đáp ứng nhu cầu du khách”, ông Thanh chia sẻ.

Đến Ninh Sơn trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp ảnh 2Du khách thích thú với trải nghiệm hái quả si rô tại vườn. Ảnh: TTXVN

Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Mai cùng người nhà đang tất bật chăm sóc vườn bưởi da xanh, măng cụt rộng gần 6 sào (6.000 m2) đang cho thu hoạch. Nâng những quả bưởi căng tròn, da xanh bóng trên tay, bà Mai khoe, từ đầu năm đến nay, gia đình đã thu về hơn 200 triệu đồng từ bán bưởi. Toàn bộ vườn cây ăn quả được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động, phòng trừ sâu hại bằng chế phẩm sinh học và đánh bẫy, dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh nên chất lượng quả đảm bảo. Gia đình đang tập trung chăm sóc, hy vọng sẽ đem đến cho du khách sự hài lòng nhất khi thưởng thức sản phẩm tại vườn trong mùa hè và lễ hội trái cây tới đây.

Xã Lâm Sơn là nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục, cách trung tâm huyện Ninh Sơn 12 km về phía Tây, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 50 km và cách thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) khoảng 60 km. Địa bàn xã có Quốc lộ 27 chạy qua tạo lợi thế rất lớn trong giao lưu, trao đổi hàng hóa. Đây là khu vực được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu mát mẻ, đất đai tương đối màu mỡ, thuận lợi phát triển thành vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích gần 1.395 ha gồm các loại cây như: sầu riêng, chôm chôm, mãng cầu, dừa, bưởi, chuối, mít, xoài,…

Đến Ninh Sơn trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp ảnh 3Vườn nho ngón tay đen không hạt của Anh Nguyễn Đình Trí (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Để phát triển du lịch, tỉnh Ninh Thuận đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo, tập huấn các kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân vùng Lâm Sơn nói riêng và trên địa bàn huyện Ninh Sơn nói chung. Hiện nay, cùng với tập trung chăm sóc vườn cây ăn quả, các chủ vườn tham gia mô hình du lịch vườn trái cây đang đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang lại từng vườn khang trang, sạch đẹp ở các hạng mục như cổng vào, bảng tên, lắp wifi, quầy trưng bày, hệ thống vệ sinh, xây dựng hồ bơi, khu vui chơi… nhằm phục vụ tót nhất cho du khách đến trải nghiệm.

Theo UBND huyện Ninh Sơn, huyện đã tập trung quy hoạch các vườn cây ăn quả tại các xã, thị trấn trên địa bàn gắn với phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, đến nay tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 2.674 ha. Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Trái cây Ninh Sơn” khẳng định chất lượng, thương hiệu trái cây của địa phương. Nhờ đó, các mô hình nhà vườn sản xuất trái cây gắn với hoạt động du lịch, tham quan các thắng cảnh tự nhiên như đèo Ngoạn Mục, thác Sakai, thủy điện Đa Nhim…đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan mỗi năm.

Bà Hoàng Lê Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Ninh Sơn cho biết, Lễ hội trái cây huyện Ninh Sơn lần thứ I năm 2023 nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu trái cây Ninh Sơn đến với người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; qua đó kết nối, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, quảng bá hình ảnh con người, ẩm thực, du lịch huyện Ninh Sơn đến với du khách để thu hút phát triển kinh tế du lịch, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch huyện Ninh Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung.

Trong khuôn khổ Lễ hội, Ban Tổ chức sẽ tổ chức Hội thảo về sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng trái cây xuất khẩu huyện Ninh Sơn; Hội thi trưng bày trái cây nghệ thuật với các loại trái cây và sản phẩm đặc trưng của huyện như: sầu riêng, măng cụt, mít, chôm chôm, chanh không hạt, dưa lưới, xoài, bưởi, dừa, táo, măng tây, mãng cầu, nho; các sản phẩm từ hạt điều, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, rượu cần, gùi, nỏ… Lễ hội còn có các gian hàng ẩm thực trưng bày, giới thiệu các món ăn truyền thống với các thực phẩm được chế biến từ thịt dê, thịt cừu, thịt bò, thịt gà, bánh canh cá lóc, bánh bột lọc…

Để Lễ hội diễn ra theo đúng kế hoạch, chính quyền huyện Ninh Sơn đang đẩy mạnh công tác quản lý về du lịch; đảm bảo an ninh trật tự; tăng cường quản lý các hoạt động dịch vụ thương mại về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn các cơ sở đảm bảo vệ sinh môi trường, khu vực công cộng tổ chức lễ hội, để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi tham gia Lễ hội trái cây Ninh Sơn tới đây.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm