Đến năm 2025 mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh đều có hồ sơ sức khỏe điện tử

Đến năm 2025 mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh đều có hồ sơ sức khỏe điện tử
Cụ thể, UBND Thành phố giao Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Cục Thống kê, Sở Tư pháp, Công an Thành phố xây dựng mẫu hồ sơ sức khỏe có mã số định danh duy nhất (id) cho mỗi người dân, thu thập đầy đủ các dữ liệu cơ bản theo mẫu hồ sơ sức khỏe cho từng người dân theo địa bàn dân cư. Sau đó chọn lựa phần mềm tin học về hồ sơ sức khỏe điện tử đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế để triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân. 
Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh kiểm tra việc điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chiều 5/10/2018. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh kiểm tra việc điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chiều 5/10/2018. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, hồ sơ sức khỏe điện tử (ehr) phải đảm bảo tính bảo mật, mỗi người dân được cấp một mã định danh y tế duy nhất. Bên cạnh đó, phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo tuân thủ kiến trúc chính quyền điện tử thành phố, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của bộ y tế, có thể triển khai trên diện rộng, đồng bộ, kết nối liên thông với các hệ thống thông tin y tế liên quan.

Bên cạnh đó, các cơ quan có liên quan phải tổng hợp dữ liệu sức khỏe từng cá nhân vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, hình thành dữ liệu lớn (big data) về sức khỏe của người dân thành phố; phân tích, giám sát chỉ số sức khỏe người dân từ dữ liệu lớn về sức khỏe để báo cáo, đánh giá về mô hình bệnh tật, tình hình sức khỏe người dân thành phố. Đồng thời, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác nghiên cứu, dự báo những xu hướng diễn tiến của sức khỏe người dân làm cơ sở đề ra các giải pháp, chiến lược can thiệp phù hợp nhằm cải thiện sức khỏe, đáp ứng những nhu cầu mới về chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Để thực hiện mục tiêu này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử của Thành phố nhằm chỉ đạo thống nhất, đồng bộ và huy động được nguồn lực của toàn thành phố cho việc triển khai thực hiện hồ sơ sức khỏe người dân bao gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế công cộng, quản lý y tế, công nghệ thông tin…

Mỗi cơ sở y tế khi tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh có trách nhiệm tra cứu thông tin về sức khỏe và lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh và bổ sung dữ liệu khám, chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử theo quy định.
 
Mục tiêu đến năm 2022, Thành phố thu thập dữ liệu ban đầu về tình hình sức khỏe người dân và đến năm 2025, cập nhật đầy đủ dữ liệu sức khỏe người dân vào hồ sơ sức khỏe điện tử./.
                 Đinh Hằng

Có thể bạn quan tâm