Đến Lai Châu thưởng thức bánh cổ truyền của dân tộc Giáy

Đến Lai Châu thưởng thức bánh cổ truyền của dân tộc Giáy
Gạo rang được trộn với đường dẻo tạo thành màu vàng óng trông rất hấp dẫn. Ảnh: Nguyễn Duy- TTXVN
Gạo rang được trộn với đường dẻo tạo thành màu vàng óng trông rất hấp dẫn. Ảnh: Nguyễn Duy- TTXVN

Gắn bó với nghề gần 40 năm nhưng bà Vùi Thị Liếng, ở bản San Thàng 1 cũng không biết nghề làm bánh có từ khi nào. Năm 22 tuổi, bà Liếng trở thành chủ một gian hàng nhỏ ở chợ chuyên bán những món bánh truyền thống của dân tộc mình. Đến năm 55 tuổi, bà vẫn đều đặn làm dăm mẻ bánh các loại trước phiên chợ. Với bà, làm bánh bán không chỉ để trang trải chi phí sinh hoạt mà đã thành thói quen. Mỗi tuần, riêng loại bánh bỏng ít nhất bà phải làm một mẻ 6 cân gạo nếp, còn lại là bánh trắng, bánh cắt, bánh phở, bánh khảo… Có đến hơn chục loại bánh được chế biến dưới đôi tay khéo léo của bà. 

Bánh trong khuôn được ép chặt một cách cẩn thận. Ảnh: Nguyễn Duy- TTXVN
Bánh trong khuôn được ép chặt một cách cẩn thận. Ảnh: Nguyễn Duy- TTXVN


Để làm được một mẻ bánh bỏng, người thợ lành nghề phải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đòi hỏi một sự khéo léo, am hiểu và kinh nghiệm đã được đúc kết qua nhiều năm. Bà Liếng chia sẻ: Gạo nếp phải là loại ngon, thường là nếp cái hoa vàng hạt tròn to được ngâm qua đêm cho nở đều. Sau khi ngâm xong, nếp được vớt ra để ráo nước rồi trộn đều với mỡ nước và đưa lên đồ. Khi hạt nếp chín mềm sẽ đem phơi, giã mỏng như cốm rồi tiếp tục phơi cho đến khi khô giòn.

Bánh được cắt khi còn nõng để tránh bị cứng. Ảnh: Nguyễn Duy- TTXVN
Bánh được cắt khi còn nõng để tránh bị cứng. Ảnh: Nguyễn Duy- TTXVN


Từ gạo đã được phơi đem rang lên cho đến khi nổ phồng, đường trắng sẽ được đun cho tan chảy, tạo kết dính. Khi có độ dẻo thì đổ gạo đã rang vào đường trộn đều rồi đưa lên khuôn ép, cắt thành những chiếc bánh bỏng. Với quy trình làm chuyên nghiệp này, không ít khách hàng lầm tưởng bà Liếng “buôn qua tay” bánh từ nơi khác mang về bán. Nhìn cách bà làm bánh, cẩn thận, tỉ mỉ mới hiểu mỗi phong bánh khi làm ra đều chứa cả cái tâm, cái tình của người làm.

Vừng và lạc được rắc lên khuôn để tạo thẩm mỹ cho bánh. Ảnh: Nguyễn Duy- TTXVN
Vừng và lạc được rắc lên khuôn để tạo thẩm mỹ cho bánh. Ảnh: Nguyễn Duy- TTXVN


Năm 2013, bà Liếng trở thành tổ trưởng của Tổ liên kết sản xuất bánh truyền thống dân tộc Giáy với 26 chị em ở hai bản San Thàng 1 và San Thàng 2. Đây là một tín hiệu vui để nghề làm bánh truyền thống của đồng bào dân tộc được bảo tồn, phát triển và nhiều người biết đến. Trong guồng quay của công nghệ hiện đại, những người tâm huyết như bà Liếng cùng thành viên của Tổ liên kết sản xuất bánh truyền thống dân tộc Giáy vẫn gìn giữ những nét đẹp dân tộc tồn tại qua thời gian.

Một khuôn bánh được cắt nhỏ thành từng miếng. Ảnh: Nguyễn Duy- TTXVN
Một khuôn bánh được cắt nhỏ thành từng miếng. Ảnh: Nguyễn Duy- TTXVN



Có thể bạn quan tâm