Đền Hùng (Phú Thọ) - nơi lan tỏa không gian thực hành tín ngưỡng

Nghi thức rước kiệu trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: TTXVN
Nghi thức rước kiệu trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: TTXVN

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có tầm quan trọng trong tâm thức người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy Tổ. Nguồn gốc đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc. Với ý nghĩa đó, cộng đồng người Việt tự nguyện giữ gìn và phát triển Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách tự nhiên trong đời sống thường ngày, đồng thời khẳng định sức sống mãnh liệt của triết lý hướng về cội nguồn.

Đền Hùng (Phú Thọ) - nơi lan tỏa không gian thực hành tín ngưỡng ảnh 1Nghi thức rước kiệu trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: TTXVN

Từ giá trị văn hóa truyền thống thời Hùng Vương

Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nên nhà nước đầu tiên trong lịch sử, là tổ tiên chung của toàn dân tộc Việt.

Trải qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn tôn kính và tâm niệm các Vua Hùng là ông Tổ, lấy đó làm điểm tựa tinh thần, đức tin thiêng liêng vào uy linh tổ tiên để chiến thắng thiên tai, thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Từ thời Thục Phán dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh khi Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi, thể hiện ý chí sẽ trọn đời bảo vệ giang sơn mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói, trông nom lăng miếu tổ tiên.

Bởi vậy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam được xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra một quốc gia, dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng bao gồm lễ, cúng, hành hương, các trò diễn ở hơn một trăm làng ở tỉnh Phú Thọ và các nơi khác trong cả nước; thực hành này mang lại sự tôn kính đối với tổ tiên từ đó nâng cao ý thức về sự tự hào và gắn kết xã hội.

Thực hành di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương diễn ra thường xuyên trong cả năm nhưng tập trung nhất vào mùa Xuân, trong đó, nghi lễ lớn nhất là Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch tại đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chia sẻ, Lễ hội Đền Hùng là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, dịp quan trọng để mọi người dân hành hương tìm về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khẳng định mọi người Việt Nam thuộc mọi dân tộc, mọi tầng lớp, dù già trẻ, gái trai, dù đang sinh sống ở Việt Nam hay ở nước ngoài đều có chung một cội nguồn, chung một ngày Giỗ Tổ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt.

Việc tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được đặc biệt chú trọng nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; là hội văn hóa của toàn dân, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng để tri ân tổ tiên, gắn kết cộng đồng, cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái, dân an. Đó cũng chính là bản thể, cội nguồn sự hình thành, kết nối của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, từ gia đình đến dòng họ, đến quốc gia, dân tộc. Sự cố kết chặt chẽ ấy chính là sức mạnh bền vững để tạo nên giá trị bản sắc riêng có của dân tộc Việt Nam và của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Bà Phạm Thị Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh. Đây là một trong những tín ngưỡng có hình thức nghi lễ độc đáo và mang tính riêng biệt của người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hình thành từ rất lâu đời, thể hiện cho truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn tổ tiên, biết ơn công lao của thế hệ đi trước đã có công khai thiên lập quốc, dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm, trở thành bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Đền Hùng (Phú Thọ) - nơi lan tỏa không gian thực hành tín ngưỡng ảnh 2Lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN.

Lan tỏa không gian thực hành Tín ngưỡng

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự.

Phú Thọ, trọng tâm là Khu di tích lịch sử Đền Hùng - tâm điểm của thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những hoạt động Lễ - Hội diễn ra trang nghiêm, thành kính tại các ngôi đền trên núi Hùng và các di tích thờ Hùng Vương ở trong tỉnh, thu hút hàng triệu đồng bào cả nước, kiều bào tham gia dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm.

Cùng với Phú Thọ, để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, các địa phương có điểm thờ Hùng Vương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang… đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng theo hướng dẫn chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm một cách trang trọng, thành kính, thể hiện sự tri ân, công đức tổ tiên của thế hệ con cháu với công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Không chỉ trong nước, một số quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng lập đền thờ các vua Hùng như ở California (Hoa Kỳ), Canada, Australia… hoặc điểm thờ tự để đặt ban thờ, bài vị và tượng Hùng Vương để kiều bào cùng tổ chức lễ dâng hương nhớ về tổ tiên trong ngày quốc lễ như ở Nga, Séc, Lào… Việc thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu, lan tỏa rộng khắp, nơi đâu có người Việt sinh sống thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - thờ các Vua Hùng được người Việt tôn vinh và thờ tự.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, những năm qua, Phú Thọ đã cam kết thực hiện Chương trình hành động nhằm bảo vệ sức sống, sự lan tỏa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh, lượng du khách hành hương về Đền Hùng bái Tổ ngày một đông. Đây là thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, là ý thức nguồn cội của hàng triệu người dân đất Việt, minh chứng cho sức sống, sự lan tỏa mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Qua đó, Phú Thọ đã và đang nỗ lực đưa di sản trở về với cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng cũng như giúp cộng đồng hiểu rõ vai trò của mình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản vùng đất Tổ.

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Phú Thọ Nguyễn Tiến Khôi cho hay, đến nay, phần lớn sinh hoạt tín ngưỡng gắn với việc thờ phụng các Vua Hùng tại 13 huyện, thị, thành ở Phú Thọ được nhân dân quan tâm khôi phục cả vật chất và tinh thần. Người dân tự nguyện đóng góp tiền, hiện vật để bảo tồn, tu bổ, phục hồi các không gian thờ cúng và thực hành tín ngưỡng; các lễ nghi được truyền dạy; văn bia, sắc phong tại đình, đền được nghiên cứu làm sáng tỏ để nhân dân hiểu hơn…

Toàn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm