Đề xuất giải pháp giảm thiểu xói lở, bồi lấp tại Cửa Đại-Quảng Nam

Đề xuất giải pháp giảm thiểu xói lở, bồi lấp tại Cửa Đại-Quảng Nam
Nước biển lấn sâu vào đất liền ở bãi biển Cửa Đại (Thành phố Hội An). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Nước biển lấn sâu vào đất liền ở bãi biển Cửa Đại (Thành phố Hội An).
Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Thực trạng và nguyên nhân tai biến Theo nhận xét của nhà khoa học Đào Đình Châm, Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Tai biến xói lở bờ biển, bồi lấp của sông đang là mối lo ngại sâu sắc của chính quyền và nhân dân nhiều địa phương trong cả nước. Đây là một dạng thiên tai xảy ra trên khắp dải ven biển Việt Nam với quy mô và cường độ ngày một tăng, do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tại vùng cửa sông Cửa Đại, tính từ năm 2009 đến năm 2017, đường bờ biển lân cận đã bị xói lở nằm trên chiều dài vài nghìn mét, với tốc độ lên tới vài chục mét/năm. Cùng với hiện tượng xói lở là tình trạng bồi lấp cửa sông. Tiêu biểu là việc xuất hiện đảo cát mà người dân gọi là “khủng long” cách cửa biển Cửa Đại khoảng 2 km, đang gây khó khăn cho các phương tiện thủy ra vào của sông, ảnh hưởng đến quá trình tiêu thoát lũ ở hạ du sông Thu Bồn. Qua kết luận của đề tài “Nghiên cứu đánh giá các yếu tố thủy thạch động lực ảnh hưởng đến các quá trình bồi, xói lở vùng cửa sông, ven bờ từ Quảng Nam đến Phú Yên trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, do nhóm các nhà khoa học Viện Địa lý thực hiện cho thấy: Từ năm 2000 trở lại đây, vào mùa mưa lũ thuộc dải ven biển tỉnh Quảng Nam, trong đó có cửa sông Cửa Đại bờ biển liên tục bị xói lở với cường độ mạnh, luồng tàu cửa sông liên tục bị bồi lấp. Hiện tượng này trước hết là do sóng biển gây ra vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc hoạt động, kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Trong thời kỳ này cũng thường diễn ra áp thấp nhiệt đới và bão. Thực tế là cửa sông Cửa Đại bị bồi lấp chủ yếu do lượng bùn cát được vận chuyển từ trong sông ra, tập trung vào kỳ mưa lũ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Năm 2010, sau khi công trình Thủy điện sông Tranh 2 đi vào hoạt động, lượng bùn cát vận chuyển xuống hạ lưu giảm trung bình 7.000 tấn/ngày đối với mỗi trận lũ. Nhưng đến năm 2016 lượng bùn cát có xu thế tăng cao, riêng năm 2017 tăng lên 2,6 triệu tấn. Mặt khác, biến đổi khí hậu ở dải ven biển Quảng Nam và các vùng lân cận thể hiện rõ nhất ở chỉ tiêu mực nước biển dâng. Theo số liệu quan trắc tại Trạm Hội An, tốc độ nước biển dâng trung bình tăng khoảng 0,515cm/năm, mực nước tối cao tăng 2,83cm/năm, mực nước tối thấp tăng 0,072cm/năm. Điều này cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến xói lở, bồi tụ và ngập lụt tại dải ven biển tỉnh Quảng Nam, nhất là thành phố Hội An là đáng kể. Ngoài những nguyên nhân ngoại sinh, những năm gần đây hoạt động khai thác của con người trên bề mặt lưu vực sông cũng không ngừng gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông ở khu vực Cửa Đại. Cụ thể là hoạt động khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng hạ lưu sông Thu Bồn. Việc khai thác cát sỏi thiếu hợp lý làm mất cân bằng động lực lưu vực sông. Cộng với xây dựng hồ chứa, đập ngăn sẽ giữ lại một lượng bùn cát lớn trên thượng nguồn, dẫn đến thiếu hụt bùn cát cho các cửa sông, ven biển. Hiện trên lưu vực sông Thu Bồn có tới 78 hồ chứa các loại với dung tích 0,5 tỷ m3; 348 đập dâng; 15,4km đê ngăn lũ…Chính vì vậy sẽ gây ra hàng loạt các hiện tượng xói lở nghiêm trọng. Đặc biệt, tình trạng phá rừng đầu nguồn, xây dựng thủy điện đã và đang làm giảm chức năng sinh thái quan trọng nhất của rừng là điều hòa khí hậu, giữ và điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất. Nên việc phát triển ồ ạt thủy điện phía thượng lưu sông Vu Gia-Thu Bồn đang làm mất đi cân bằng nước tự nhiên, kèm theo đó là phần diện tích rừng đầu nguồn bị phá hủy, làm cho nguồn nước ở hạ lưu sông Thu Bồn thiếu ổn định. Trong 15 năm (2000-2015), Quảng Nam đã mất 140.111ha rừng. Số diện tích rừng còn lại phần lớn là rừng nghèo, rừng trung bình và rừng tái sinh; độ che phủ của rừng từ 55,6% giảm xuống còn 40,9%. Thêm vào đó, hầu hết các công trình thủy điện không xây dựng cửa xả đáy nên bùn cát bị giữ lại, tác động đáng kể đến nạn xói lở phía hạ lưu.Lựa chọn các giải pháp khả thi Qua việc nghiên cứu về thực trạng và nguyên nhân xói lở, bồi lấp cửa sông Cửa Đại nêu trên, nhóm các nhà khoa học Viện Địa lý đã đề xuất một số giải pháp bảo vệ bờ biển, ổn định cửa sông và các vùng lân cận theo hướng bằng cả giải pháp bị động và chủ động. Trong đó giải pháp bị động là xây dựng đồng bộ hệ thống bảo vệ bờ biển dạng kè cứng (kè bê tông), hoặc giải pháp mềm như trồng rừng ven biển, tận dụng cồn cát tự nhiên và nhân tạo nhằm chống xâm thực. Tiến hành nạo vét luồng tàu qua cửa sông theo chuẩn tắc thiết kế, bao gồm nạo vét cơ bản ban đầu và nạo vét duy tu theo từng thời kỳ, nạo vét đột xuất khi có bồi lấp cục bộ sau bão hoặc lũ. Còn giải pháp chủ động là phá sóng từ xa, nhất là sóng hướng Đông Bắc vào mùa đông. Công trình áp dụng là đê chắn sóng xa bờ hay liên bờ, các đê hỗn hợp dạng chữ T, chữ L. Xây dựng đê mỏ hàn cũng là giải pháp chủ động hiệu quả khi dòng dọc bờ tương đối lớn và chi phí sẽ thấp hơn với đê tách bờ. Một giải pháp nữa là nuôi bãi nhân tạo. Đây là giải pháp hướng đến việc khôi phục lại bãi tắm tự nhiên trước khi xảy ra xói lở. Xây dựng đê hướng dòng cửa sông. Đê loại này cần có tác dụng hướng dòng chảy sông đổ ra biển và hướng được bùn cát với tỷ kệ thích hợp, để bồi lại bãi biển bờ Bắc mà không làm thiếu hụt bùn cát cho bờ Nam. Đồng thời đê bảo vệ được luồng tàu qua cửa sông Của Đại, phục vụ cho đội tàu thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân hiện nay và trong tương lai. Có thể xem xét giải pháp một cửa một luồng (luồng vừa thoát lũ thoát cát, vừa phục vụ lưu thông tàu thuyền), hoặc giải pháp một cửa hai luồng (luồng thoát lũ đi riêng và luồng tàu đi riêng). Xây dựng khu neo trú bão kết hợp cảng cá theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho khu vực Cửa Đại. Theo đó, khu neo trú cần kín gió, kín sóng, dễ đón tàu thuyền và không quá xa cửa biển và cũng không xa nơi dân cư. Ngoài việc khu neo trú phải có công trình chống xâm thực của sóng biển, dòng chảy lũ và tránh sa bồi, còn cần thực hiện giải pháp xử lý chất thải, lưu thông nguồn nước tránh hiện tượng tù đọng, ô nhiễm. Ngăn ngừa và phòng tránh, giảm thiểu xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Để các nghiên cứu có hiệu quả hơn, trong tương lai cần chú ý đến phân tích các mô hình-phần mềm chuyên dụng; xây dựng một hệ thống quan trắc và giám sát xói lở, bồi lấp để cập nhật số liệu tạo thành chuỗi, cảnh báo và xử lý kịp thời các tai biến, sự cố liên quan; tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này với mục đích là phân tích, dự báo và đề xuất được nhiều giải pháp giải quyết hiệu quả nhất nạn xói lở, bồi lấp vùng cửa sông Cửa Đại nói riêng và các bờ biển trong cả nước nói chung.
Văn Hào   

Có thể bạn quan tâm