Đề xuất 5 nhóm chính sách để kinh tế hợp tác xã phát triển năng động, hiệu quả

Đề xuất 5 nhóm chính sách để kinh tế hợp tác xã phát triển năng động, hiệu quả

Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực hợp tác xã.

Đề xuất 5 nhóm chính sách để kinh tế hợp tác xã phát triển năng động, hiệu quả ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, tổ chức ngày 15/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các hợp tác xã bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 5 nhóm chính sách gồm: Nhóm chính sách thứ nhất về hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã. Theo đó, mở rộng thành viên tham gia hợp tác xã theo hướng công dân dưới 18 tuổi, người khuyết tật, người không định cư ở Việt Nam, doanh nghiệp, tổ hợp tác, cán bộ công chức, viên chức đều có thể tham gia khu vực hợp tác xã …

Cùng với đó, làm rõ nguyên tắc minh bạch thông tin hợp tác xã theo hướng bổ sung các quy định cụ thể về nội dung, cách thức, thời hạn cung cấp thông tin của khu vực hợp tác xã cho thành viên, các cơ quan chức năng; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc báo cáo, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, tăng cường tính minh bạch, bảo vệ lợi ích thành viên…

Nhóm chính sách thứ hai về hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện. Theo đó, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung đối tượng tổ hợp tác hoạt động lâu dài phải đăng ký thành lập; Liên đoàn hợp tác xã vào Luật Hợp tác xã sửa đổi; hoàn thiện các quy định để làm rõ vị trí và vai trò tổ chức Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phù hợp với bản chất, các quy định hiện hành và hội nhập với thế giới.

Nhóm chính sách thứ ba về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho khu vực hợp tác xã phát triển. Theo đó, Chính phủ cần sửa đổi quy định giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các đối tượng không phải thành viên theo hướng điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định, sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên.

Bên cạnh đó, bổ sung các quy định lợi nhuận thu được từ giao dịch bên ngoài được trích lập quỹ dự trữ và phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp giống như doanh nghiệp, giao dịch nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Như vậy, vừa định hướng, khuyến khích hoạt động khu vực hợp tác xã về đúng bản chất là phục vụ thành viên, phát triển thị trường nội bộ, đồng thời, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia, mở rộng thị trường giống như doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

Tiếp đến, nhóm chính sách thứ tư về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Theo đó, Chính phủ nghiên cứu bổ sung một chương riêng về kiểm toán. Quy định về kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thế giới, pháp luật về kiểm toán ở nước ta.

Cuối cùng, nhóm chính sách thứ năm về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Theo đó, Chính phủ hoàn thiện các quy định về bộ máy quản lý nhà nước theo hướng đổi mới tổ chức bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định về công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường, tăng cường “hậu kiểm” và tạo sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký, tổ chức, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước, cấp mã số thuế, báo cáo thuế, tài chính...

Cùng với đó, thống nhất đầu mối hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể trên cả nước. Thống nhất các quy định về nội dung chính sách hỗ trợ đang quy định dàn trải, rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như: thuế, phí; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, vốn tín dụng.... phù hợp với các hoạt động đặc thù của khu vực hợp tác xã.

“Bổ sung chính sách hỗ trợ của nhà nước thúc đẩy tổ hợp tác phát triển lên hợp tác xã, bao gồm cả cơ chế đào tạo, nâng cao nhận thức người dân, người trẻ tuổi, đối tượng tiềm năng trở thành thành viên hợp tác xã”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thúy Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm