Để sản phẩm OCOP rộng đường vào siêu thị ở Nghệ An

Để sản phẩm OCOP rộng đường vào siêu thị ở Nghệ An

Hiện nay, các sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Nghệ An như: nông sản, thực phẩm, sản phẩm làng nghề... đang được tiêu thụ qua các “kênh” truyền thống như: tự tìm bạn hàng, bán cho khách quen, ký gửi ở chuỗi cửa hàng… Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP thâm nhập vào các siêu thị, trung tâm thương mại thì doanh nghiệp, cở sở sản xuất tại Nghệ An vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
* Kết nối vào siêu thị
Sản phẩm nước mắm hạ thổ của Công ty cổ phần Thủy sản Vạn Phần, huyện Diễn Châu tham gia chương trình OCOP và được gắn 4 Sao. Hiện, các sản phẩm của Công ty cổ phần Thủy sản Vạn Phần chủ yếu phân phối ở các kênh bán hàng truyền thống tại các chợ, các chuỗi cửa hàng và tự tìm đường xuất khẩu. Mặc dù, lãnh đạo công ty đã liên hệ với các siêu thị lớn như BigC Thái Lan, Metro... nhưng do vướng về thủ tục nên công ty vẫn duy trì phương thức bán hàng truyền thống theo cách thu tiền mặt.
"Lâu nay, chúng tôi vẫn tự tìm thị trường để tiêu thụ. Khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm của Công ty được hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm OCOP của tỉnh. Ngoài không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm thì chúng tôi cũng mong muốn đưa được sản phẩm vào siêu thị để quảng bá rộng rãi đến tay người tiêu dùng”, ông Võ Văn Đại, Giám đốc Cổ phần Thủy sản Vạn Phần kiến nghị.

Để sản phẩm OCOP rộng đường vào siêu thị ở Nghệ An  ảnh 1Hợp tác xã Sen quê Bác đóng gói trà sen phục vụ khách du lịch. Ảnh: baonghean.vn

Năm 2018, Hợp tác xã Sen quê Bác ra đời với 7 thành viên, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen; chế biến sâu các sản phẩm về sen… Từ đó, mở rộng diện tích trồng sen với mục tiêu hướng đến chế biến các sản phẩm chủ lực, khai thác giá trị hàng hóa từ cây sen.
Hiện, hai sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà sen. Anh Phan Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Sen quê Bác bày tỏ: “Chúng tôi không muốn đưa sản phẩm Sen vào siêu thị mà thay vào đó, hợp tác xã muốn mở rộng quy mô theo hướng tự làm quầy trưng bày sản phẩm ngay tại Nam Đàn; trực tiếp kết nối với các tour tuyến du lịch để khách hàng có thể quan sát trực tiếp từ khâu chế biến đến thành phẩm”.
Cơ sở Cốm thực dưỡng Công Phương - Kim Liên đã được công nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và là một trong những sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của huyện Nam Đàn. Sản phẩm cốm thực dưỡng là một trong 48 sản phẩm nông nghiệp vừa được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm OCOP.
“Sản phẩm của gia đình chủ yếu tiêu thụ trên thị trường tự do. Cơ sở sản xuất của tôi đã được gắn sao, hồ sơ đăng ký chứng nhận cũng đã sẵn sàng nhưng tôi còn phân vân chưa làm bởi quy mô còn quá nhỏ, chưa đủ sức mở rộng thị trường. Chúng tôi muốn liên kết để đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng chưa biết làm thế nào”, chị Nguyễn Thị Phương, chủ cơ sở Cốm thực dưỡng Công Phương cho biết.
Trong khi người sản xuất còn loay hoay trong khâu kết nối thì nhiều siêu thị chưa tìm được nguồn hàng phù hợp từ nơi sản xuất. Theo ông Trần An Khang, giám đốc Siêu thị BigC Vinh, trên các kệ hàng của Siêu thị Big C hầu hết các sản phẩm nông sản đến từ các địa phương và rất nhiều nông sản, đặc sản vùng miền. Riêng nông sản, thực phẩm, siêu thị có 18.000 mã hàng; trong đó, 96% mã hàng của Việt Nam, thế nhưng lại thiếu sản phẩm của địa phương, chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn so với các sản phẩm của các địa phương khác. Các sản phẩm OCOP; trong đó, có nhóm nông sản, thực phẩm khó vào siêu thị do đơn vị cung ứng thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm…
* Rộng đường vào siêu thị
Chương trình OCOP là một chương trình mới và Nghệ An là một trong những tỉnh tốp đầu số lượng sản phẩm được gắn sao, năm 2019 đã có 48 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 4 sao (trong đó 15 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao). Tuy nhiên, do chương trình mới nên người tiêu dùng vẫn chưa biết nhiều về sản phẩm OCOP; mặt khác, cũng chưa hình thành được hệ thống cung ứng các sản phẩm OCOP ở các địa phương nên các sản phẩm vẫn chưa được cải thiện về đầu ra so với trước thời điểm được gắn sao.
Bà Trần Mỹ Hà, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Nghệ An phân tích, khó khăn lớn nhất trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm OCOP đó là có nhiều người tiêu dùng chưa biết đến để lựa chọn và tiêu dùng các sản phẩm OCOP, việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm còn khó khăn, việc thực hiện các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm OCOP còn bị hạn chế về kinh phí, tính chủ động của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP còn chưa cao.
Để tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể tham gia OCOP khi muốn đưa sản phẩm vào siêu thị, Giám đốc Siêu thị Big C Vinh - ông Trần An Khang cho rằng, đơn vị đã cử nhân viên về các địa phương tìm kiếm sản phẩm đặc trưng; hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị...
“Hiện nay, Big C có các chương trình thu mua hàng hóa trực tiếp từ nông dân và hợp tác xã với chiết khấu 0% nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý. Nếu bà con muốn đưa sản phẩm vào Siêu thị BigC, hãy liên hệ với chúng tôi”, ông Khang thông tin thêm.
Về vấn đề này, đại diện ngành nông nghiệp Nghệ An cũng cho rằng, chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An tiếp tục hỗ trợ khâu sản xuất về khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn; hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm... bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua chợ thương mại điện tử của tỉnh Nghệ An.
Thực tế, cuối năm 2019 Sở Công Thương Nghệ An đã giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Phòng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm OCOP ở Thành phố Vinh. Bước đầu, người tiêu dùng thành phố Vinh đã bước đầu tiếp cận với các sản phẩm OCOP. Thời gian tới, Sở Công Thương Nghệ An tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm OCOP; trong đó, đẩy mạnh hoạt động phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với hoạt động du lịch từ chuỗi sản xuất, lưu thông sản phẩm OCOP; nâng cao hiệu quả hoạt động Hội chợ, triển lãm thương mại sản phẩm OCOP tạo được tính lan tỏa sâu rộng của sản phẩm đến người tiêu dùng.
Tới đây, Sở Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP giữa Nghệ An và các tỉnh thành trong cả nước; giữa các nhà sản xuất và các nhà tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ tổ chức dẫn các Đoàn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An đi các tỉnh, thành phố trong nước để giao thương, kết nối cung cầu.
“Sản phẩm OCOP sẽ có cơ hội phát triển thị trường và khi khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa thì sẽ được đón nhận của các nhà phân phối, các hệ thống bán lẻ như Coop mart, BigC, Vinmart, MM mega maket… và đây sẽ là cơ hội thực sự cho đầu ra sản phẩm OCOP một cách bền vững”, Bà Trần Mỹ Hà, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Nghệ An khẳng định.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm