Để du lịch Kon Tum “cất cánh” (Bài 3)

Nhà thờ gỗ Kon Tum nổi bật giữa cái nắng của Tây Nguyên. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN
Nhà thờ gỗ Kon Tum nổi bật giữa cái nắng của Tây Nguyên. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, những năm qua, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh tuy đã có đổi mới song còn thiếu tính chuyên nghiệp. Công tác liên kết, phát triển du lịch chưa tạo được sự đột phá. Việc thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa nhiều. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc huy động các thành phần kinh tế, đặc biệt là người dân tham gia hoạt động du lịch chưa đạt hiệu quả cao. Vì vậy, việc thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo liên kết du lịch vùng và mới đây là công bố Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 chính là “chìa khóa” đã mở ra tương lai cho ngành du lịch Kon Tum.

Bài 3-Mở hướng tương lai

“Trải thảm đỏ” thu hút đầu tư du lịch

Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; trong đó có 47 dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Các dự án này ưu tiên xúc tiến đầu tư vào khu vực có tiềm năng phát triển du lịch như Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; huyện Kon Rẫy, huyện Tu Mơ Rông. Qua đó, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị.

Bà Trần Nguyện, Trưởng ban kinh doanh Sun World, Tập đoàn Sun Group chia sẻ, với tiềm năng về văn hóa, thiên nhiên, con người, ẩm thực… mang tính đặc sắc, là duy nhất, không hề pha tạp của Kon Tum, Tập đoàn Sun Group đang trong quá trình tìm hiểu và mong muốn được góp phần để thúc đẩy du lịch Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

“Với sứ mệnh khai phá những vùng đất chưa được khai thác xứng tầm, chúng tôi kỳ vọng Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn để góp phần cho du lịch Việt Nam thực sự bứt phá, hồi sinh mạnh mẽ, phát triển bền vững hậu COVID-19”, bà Trần Nguyện khẳng định.

Trong khi đó, dù chưa có sân bay, song tỉnh Kon Tum đã ký hợp tác thỏa thuận toàn diện với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), trong đó có việc quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch hàng không. Qua đó, Vietnam Airlines luôn sẵn sàng đồng hành cùng với Kon Tum để thu hút khách du lịch trong nước đến với tỉnh; đồng hành, kết nối các doanh nghiệp của Kon Tum đến với các sự kiện quốc tế; cùng xây dựng thông điệp phát động du lịch cho khách hàng quốc tế cũng như nội địa đến với Kon Tum.

Để du lịch Kon Tum “cất cánh” (Bài 3) ảnh 1Trình diễn dù lượn “Bay trên đại ngàn – Sa Thầy 2022” được kỳ vọng tạo sản phẩm du lịch đặc thù cho Kon Tum. Ảnh: TTXVN phát.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ” song tỉnh Kon Tum phải lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng để nhà đầu tư giữ lại giá trị cốt lõi của du lịch bản địa, nếu không sẽ không thể phát triển bền vững. Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp khi đến với Kon Tum, cần hiểu về vùng đất và con người nơi đây, chia sẻ với những khó khăn của ngành du lịch tỉnh; đồng thời hỗ trợ xúc tiến sớm nhất việc kết nối du khách đến với Kon Tum trong năm 2022, để ít nhất lượng du khách đến với Kon Tum phải bằng 50% thời điểm năm 2019 – trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

“Các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Kon Tum phải đồng hành với các doanh nghiệp để thu hút đầu tư cho du lịch. Tôi kỳ vọng vào những "cánh chim đầu đàn", các doanh nghiệp lớn như Sun Group, Vin Group quyết tâm đến với Kon Tum, để du lịch Kon Tum ngày một phát triển hơn. Bộ cam kết sẽ sử dụng tốt nguồn lực du lịch, trong đó sẽ tập trung cho Kon Tum để tỉnh không còn là vùng trũng của du lịch”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị, trong lúc chờ đợi các nhà đầu tư góp phần xây dựng hạ tầng du lịch, tỉnh Kon Tum cần phát huy lợi thế của du lịch cộng đồng, tôn tạo các di sản để chờ đón và thông qua du lịch cộng đồng tạo ra điểm nhấn thu hút du khách. Khi lượng khách tăng lên, nhà đầu tư sẽ tìm đến với Kon Tum nhiều hơn. Bên cạnh đó, tỉnh phải gấp rút triển khai đào tạo nguồn nhân lực thực hành du lịch. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ sẽ chỉ đạo Trường Cao đẳng Du lịch hỗ trợ đào tạo nhân lực, từng bước tháo gỡ khó khăn cho Kon Tum.

Liên kết vùng, mở rộng hợp tác phát triển

Nằm ở vị trí “ngã ba Đông Dương”, Kon Tum có vai trò quan trọng trong việc liên kết vùng giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ. Đặc biệt, tỉnh cũng là cầu nối du lịch cho khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.

Để du lịch Kon Tum “cất cánh” (Bài 3) ảnh 2Hoa anh đào tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đồng loạt bung hoa, khoe sắc vào đúng ngày đầu năm mới 2022. Ảnh: TTXVN

Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào –Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được công bố vào cuối tháng 4/2022 nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón 3,3 triệu lượt khách du lịch cho khu vực vào năm 2025. Qua đó, hình thành một điểm đến du lịch bền vững và có trách nhiệm; cung cấp dịch vụ chất lượng, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, ngành du lịch tỉnh sẽ tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực để phục hồi. Tháng 4/2022, chương trình hợp tác phát triển du lịch của các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum đã được ký kết. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ khôi phục hoạt động các doanh nghiệp du lịch, tạo liên kết vùng để thu hút khách du lịch nội địa đến với Kon Tum.

Đối với khách du lịch quốc tế, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục mở rộng liên kết với các tỉnh trong khu vực qua các tuyến du lịch trong nước và quốc tế như các tuyến du lịch: Con đường xanh Tây Nguyên; Hành trình di sản Đông Dương; caravan hành trình qua các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam xuyên qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

“Tuy nhiên trước mắt, tỉnh tập trung khai thác thị trường khách du lịch trong khu vực Camphuchia – Lào – Việt Nam và Đông Bắc Thái Lan, qua cửa khẩu Quốc tế Bờ Y – Phu Cưa và thị trường khách cho phép công dân được đi nước ngoài, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch COVID-19 như Thái Lan, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Australia…”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Để du lịch Kon Tum “cất cánh” (Bài 3) ảnh 3Nhà thờ gỗ Kon Tum nổi bật giữa cái nắng của Tây Nguyên. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu lưu ý, trong quá trình liên kết vùng, tỉnh Kon Tum cần liên kết với các tỉnh Tây Nguyên hướng tới hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng từ quy hoạch, phát triển hạ tầng, sản phẩm, xúc tiến quảng bá và hỗ trợ phát triển, như liên kết với tỉnh Gia Lai khai thác sân bay Pleiku, du lịch Hồ thủy điện Yaly. Đối với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Kon Tum cần hướng tới kết nối điểm đến, chia sẻ thị trường, có thể liên kết với tỉnh Quảng Nam để quảng bá chung thương hiệu du lịch sâm Ngọc Linh.

Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, cùng sự hỗ trợ tối đa từ các cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch Kon Tum hứa hẹn khởi sắc, phát triển bền vững trong giai đoạn hậu COVID-19, đưa Kon Tum thoát khỏi “vùng trũng” của du lịch. Đây cũng là điều kiện mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng, góp phần bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của Kon Tum nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm