Đề án Khám, chữa bệnh từ xa: Thầy thuốc và người dân vùng cao cùng hưởng lợi

Đề án Khám, chữa bệnh từ xa: Thầy thuốc và người dân vùng cao cùng hưởng lợi

Thạc sĩ, bác sỹ Vũ Giang An, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết, năm 2020, Bệnh viện là một trong những bệnh viện tuyến huyện tham gia Đề án Khám, chữa bệnh từ xa- Telehealth của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Đề án Khám, chữa bệnh từ xa: Thầy thuốc và người dân vùng cao cùng hưởng lợi ảnh 1Thăm khám trực tuyến có sự tham gia của các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện 199. Ảnh: TTXVN

Nhờ tham gia đề án, bệnh nhân tại đây được các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn trực tiếp các ca bệnh và có hướng điều trị phù hợp nhất. Thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, không chỉ các bác sỹ ở Bệnh viện được học hỏi, cập nhật kiến thức, được tiếp cận với những mặt bệnh mà trước đó các bác sỹ rất ít gặp hoặc khó phát hiện. Người bệnh khi được các bác sỹ tuyến trên trực tiếp hội chẩn yên tâm hơn khi ở lại bệnh viện điều trị.

“Sau hội chẩn trực tuyến, nhiều trường hợp bệnh viện xử lý được mà không phải chuyển tuyến. Trong trường hợp phải chuyển tuyến, cùng với sự tư vấn của các các chuyên gia ở đầu cầu Hà Nội, chúng tôi trao đổi trước để bệnh nhân biết rõ tình trạng bệnh tật của mình khi lên tuyến Trung ương”, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu cho biết.

Ở Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Đơn nguyên sơ sinh thuộc Khoa Nhi được coi là một trong những thế mạnh của bệnh viện. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện, trước đây, các trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh màng trong, sinh non tháng nhẹ cân đều phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Nhờ tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa- Telehealth với Bệnh viện Đại học Y, các bác sỹ của bệnh viện đã học hỏi được rất nhiều, áp dụng thành công vào quá trình điều trị cho trẻ sơ sinh thiếu tháng. Với các ca bệnh khó, việc trực tiếp được các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ qua hệ thống Telehealth đã giúp các bác sỹ có thêm kinh nghiệm trong điều trị.

Chia sẻ về ca sinh non chuyển dạ 28 tuần tuổi ở huyện Yên Châu, bác sỹ chuyên khoa cấp I Phạm Hồng Tươi, Phụ trách Khoa Nhi cho biết, sản phụ 21 tuổi, sinh con lần thứ 4, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu bằng taxi. Trên đường đi, bệnh nhân chuyển dạ, mẹ chồng bệnh nhân đã đỡ đẻ cho con dâu ngay trên xe.

Khi mẹ con sản phụ vào nhập viện, cháu bé trong tình trạng tím tái, suy hô hấp. Đây là một ca hết sức khó vì trẻ sinh non nhiều tháng, nặng 1,1kg. Bác sỹ đã tiến hành cấp cứu bài bản, làm tất cả các chỉ định cho trẻ sinh non như: thở máy, bơm trưởng thành phổi, đóng ống động mạch, truyền máu, đưa trẻ vào phòng cách ly đảm bảo vô khuẩn, nằm lồng ấp…”.

Cùng với đó, Bệnh viện đã thiết lập cuộc hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương... về phương hướng điều trị tiếp theo, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhi và các nguy cơ xảy ra.

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đánh giá cao quy trình cấp cứu, điều trị chăm sóc cho bệnh nhi của Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu; đồng thời hướng dẫn các bác sỹ tiếp tục thực hiện các phác đồ điều trị, cung cấp dinh dưỡng tiếp theo cho bệnh nhân.

Hiệu quả của khám chữa bệnh từ xa đã giúp tuyến dưới học hỏi được rất nhiều, áp dụng thành công vào quá trình điều trị, bác sỹ Tươi phấn khởi nói.

Nhờ hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đặc biệt của các bác sỹ tuyến trên, sau gần 1 tháng điều trị, cháu bé ra viện với cân nặng 2kg. “Đây là trường hợp được hưởng lợi từ khám chữa bệnh từ xa. Khi cháu bé ra viện, gia đình còn nhận được 8 triệu đồng từ các nhà hảo tâm ủng hộ”, Phó Giám đốc Bệnh viện Vũ Giang An cho biết.

Bác sỹ Tươi chia sẻ thêm, cùng với Telehealth, các bác sỹ của bệnh viện còn được tham gia các đợt đào tạo tại Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tại đây, các bác sỹ đã được tiếp nhiều kiến thức, ca bệnh khó và kinh nghiệm của các thầy cô giỏi, đồng thời rút kinh nghiệm, học hỏi được rất nhiều trong công tác sóc sơ sinh.

“Chúng tôi được học lớp nuôi trẻ sinh non bằng phương pháp kangaroo ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, khi học xong về áp dụng ngay và thấy phương pháp đó rất tuyệt vời. Giờ đây, những ca sinh non thai ở tuần 29, 30 vào viện, chúng tôi rất tự tin, trừ những ca bệnh lý mới phải chuyển viện” - Bác sỹ Tươi cho biết.

Cũng nhờ Telehealth, bệnh nhi 12 tuổi, dân tộc Dao đã từng được bệnh viện tuyến Trung ương phẫu thuật do thiếu một đoạn xương ở chi đã không phải đi lại nhiều lần, giúp gia đình tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh. Dù đã được các bác sỹ tuyến Trung ương phẫu thuật nhưng cháu bé cứ liên tục tái viêm xương phải mổ 2-3 lần. Nhờ hội chẩn từ xa, được các thầy thuốc tại tuyến Trung ương tư vấn, Bệnh viện đã mổ tại chỗ, đặt xi măng dọc theo xương khuyết, tạo lỗ hổng để 1-2 tháng sau, cho bệnh nhân chuyển tuyến xuống Hà Nội lấy xương mác ghép thành xương chày.

“Như vậy, bệnh nhân chỉ cần một lần đi Hà Nội để phẫu thuật, tiết kiệm cho người bệnh. Với đề án này, người được hưởng lợi nhiều nhất là người dân” - Bác sỹ An cho biết.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm