Dạy tiếng Khmer trong dịp hè nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc

Dạy tiếng Khmer trong dịp hè nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc

Các địa phương thực hiện liên kết đào tạo giữa các tỉnh, giữa các điểm chùa, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề đào tạo ngôn ngữ Khmer. Bên cạnh đó, việc duy trì và phát triển các lớp dạy tiếng Khmer dịp hè trở thành một hệ thống, đông về số lượng, mạnh về chất lượng cũng luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục ngôn ngữ, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. 

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, thời gian gần đây việc học tập của con em đồng bào dân tộc Khmer đã ngang bằng, thậm chí một số tiêu chí cao hơn so với cộng đồng trong khu vực. Nếu năm học 1991-1992, toàn tỉnh chỉ có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú với 80 học sinh, đến năm học 2014-2015 đã có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú, với gần 1.700 học sinh, có gần 62.000 học sinh người Khmer, chiếm gần 32% số học sinh toàn tỉnh. Ông Trần Minh Thái, Trưởng phòng Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho biết: Việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc luôn được ngành giáo dục tỉnh chú trọng, hiện có 94 trường tiểu học và 6 trường trung học cơ sở tổ chức dạy song ngữ tiếng Khmer với gần 15.000 học sinh theo học, trong đó có hơn 9.000 em tiếp tục theo học chữ Khmer tại các điểm chùa trong những tháng hè để nâng cao trình độ ngữ văn Khmer. 

Học chữ Khmer tại các điểm chùa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN
 Học chữ Khmer tại các điểm chùa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Ngoài các buổi học chính khóa tại trường, nhiều địa phương còn tạo điều kiện cho các chùa tổ chức thêm chương trình dạy tiếng mẹ đẻ cho con em người Khmer trong dịp hè tại các phum, sóc ở An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Dạy tiếng Khmer trong dịp hè không chỉ mang lại hiệu quả giáo dục ngôn ngữ mà còn có thể dạy đạo đức văn hóa cho các em, nhất là từ 7-12 tuổi. Đa số các em tỏ ra rất hứng thú vì các em có thể nghe tốt, đọc được chính xác và tiếp thu nhanh cùng các trò đố vui có thưởng. Các lớp mở vào dịp hè được tổ chức ở hơn 300 điểm chùa ở các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, thường vào 2 buổi sáng và chiều. Các lớp này tạo điều kiện cho con em đồng bào Khmer có nhiều thời gian học tập, gần gia đình, được vui chơi, giao lưu học hỏi lẫn nhau. 

Ông Lâm Es, nhà giáo Nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Sóc Trăng nhận định: Thời gian qua, việc giảng dạy tiếng Khmer cho con em người dân tộc vẫn được các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thực hiện một cách đồng bộ hiệu quả tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, đặc biệt là các lớp học tiếng Khmer trong dịp hè đã được định hình, trụ vững và đạt hiệu quả giáo dục cao. 

Vào dịp hè, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tốt việc dạy chữ Khmer cho học sinh. Ảnh: TTXVN
Vào dịp hè, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tốt việc dạy chữ Khmer cho học sinh. Ảnh: TTXVN

Trụ chì chùa Bâm Phinet, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng Sơn Bé cho biết: Nhà chùa thường xuyên mở các lớp dạy chữ Khmer vào mùa hè để giúp cho các em học sinh có dịp học và hiểu hơn về tiếng mẹ đẻ của mình, đồng thời từ đó nhà chùa muốn lồng ghép đạo đức cho các em trong dịp hè. Nhất là quan tâm và kịp thời giúp đỡ các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn, giúp kỳ nghỉ hè của các em trở nên có ý nghĩa hơn. 

Chủ trương giảng dạy tiếng Khmer cho con em đồng bào dân tộc trong dịp hè là một trong những chương trình thiết thực và có ý nghĩa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu long, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của bà con Khmer, góp phần nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc. Thông qua các buổi học chữ các sư sãi lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống cho các em, giúp các em có một mùa hè ý nghĩa./. 

 

Có thể bạn quan tâm