Đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong phòng, chống, quản lý, điều trị bệnh nhân COVID-19

Đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong phòng, chống, quản lý, điều trị bệnh nhân COVID-19

Tại hội thảo "Triển khai giấy chứng nhận tiêm vaccine COVID-19" được tổ chức chiều 22/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động như thu thập dữ liệu để phòng, chống dịch COVID-19.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong bối cảnh hiện nay sẽ đẩy mạnh việc sử dụng hệ thống số hóa và đáp ứng nhanh khi thế giới đang dần tiến tới trạng thái bình thường mới.

Đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong phòng, chống, quản lý, điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 1 Người dân truy cập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân trên điện thoại thông minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Chứng nhận tiêm chủng điện tử hiển thị các thông tin cá nhân và thông tin tiêm chủng của người sử dụng thông qua mã QR code. Có 11 trường thông tin hiển thị gồm: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm Vaccine, Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận. Các thông tin trên sẽ được ký số, mã hóa và được đóng gói dưới dạng QR định dạng 2D. Quy trình cấp Hộ chiếu vaccine gồm 3 bước; hạn sử dụng là 12 tháng.

Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam đã đạt mức rất cao trong khu vực và quốc tế. Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội. Kể từ cuối năm 2021, Việt Nam đã nỗ lực phát triển giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 điện tử để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại. Chính phủ đã tuyên bố chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022.

Ngày 22/3, đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau hơn 1 tuần triển khai thử nghiệm chuyển đổi số công tác quản lý F0 cách ly tại nhà trên địa bàn thành phố, hiện có gần 48.000 lượt khai báo của người dân mắc COVID-19 được ghi nhận trên hệ thống.

Trong đó, các trạm y tế trên địa bàn thành phố được hệ thống cảnh báo 731 người thuộc nhóm nguy cơ cao cần được tư vấn và chăm sóc tại nhà. Hệ thống cũng gửi cảnh báo đến nhân viên các trạm y tế 4.342 người có dấu hiệu nặng (mệt/khó thở/đau tức ngực) cần được tư vấn và cung cấp thuốc điều trị kịp thời cũng như hướng dẫn nhập viện ngay khi có chỉ định.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, ứng dụng "Nền tảng số quản lý COVID-19" của Sở Y tế bao gồm cả ứng dụng chuyển đổi số trong khai báo F0 đã chính thức được chuyển vào Trung tâm dữ liệu dùng chung của Thành phố Hồ Chí Minh. Với 8 máy chủ được đảm bảo an toàn và an ninh dữ liệu, cùng với tốc độ đường truyền được cải thiện rõ rệt, việc chuyển đổi số toàn bộ công tác quản lý F0 đang từng bước được cải thiện rõ nét.

Qua giám sát trực tiếp của lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tại Trạm y tế Phường 4 và Trạm y tế Phường 7 (quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 21/3 về việc chuyển đổi số quản lý F0 tại nhà, người dân không còn tập trung đông đúc tại các trạm y tế để khai báo F0, xét nghiệm hoàn thành cách ly, nhận giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà….

Việc chuyển đổi số quản lý F0 tại nhà như trên giúp giảm tải được một phần khối lượng công việc cho nhân viên ở trạm y tế để tập trung chăm sóc, quản lý người thuộc nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19. Hệ thống còn có chức năng phân quyền giám sát theo tình hình khai báo của người dân và tiếp nhận xử lý của từng trạm y tế theo thời gian thực nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn, giúp nắm bắt được tình hình ca mắc mới của người dân trên địa bàn để kịp thời đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

P. V

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm