Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Bộ, cơ quan về triển khai Chính phủ điện tử.Ảnh : Nguyễn Văn Điệp
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Bộ, cơ quan về triển khai Chính phủ điện tử.Ảnh : Nguyễn Văn Điệp
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp, xử lý công việc của Chính phủ (hệ thống e-Cabinet). Chính phủ quyết tâm triển khai hệ thống e-Cabinet với mục tiêu đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ tiên tiến của thế giới, hướng tới xây dựng Chính phủ không giấy tờ.Triển khai e-Cabinet từ Chính phủ đến địa phương Ngày 27/2/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có Quyết định số 168/QĐ-VPCP phê duyệt Đề án xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Mục tiêu của Đề án nhằm hướng tới xây dựng phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ tiên tiến của thế giới, hướng tới Chính phủ không giấy tờ. Đề án được giao cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ thực hiện. Với quan điểm "Chính phủ phải đi đầu, gương mẫu, tiên phong đi trước", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng cho rằng "cần tạo ra bộ, ngành không giấy tờ, địa phương không giấy tờ". Lộ trình là tạo ra kết nối 4 cấp, từ cấp Trung ương, tỉnh, huyện đến xã. Việc này đòi hỏi phải có thời gian, nhưng với tinh thần "phải làm rất nhanh, bắt đầu từ những việc cụ thể, hành động cụ thể", Chính phủ đã, đang quyết tâm cải cách phương thức làm việc. Sau hơn 3 tháng tích cực chuẩn bị, hệ thống thông tin phục vụ họp, xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet đã được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Hệ thống hoạt động giúp giảm 30% thời gian họp trung bình so với các năm trước. Họp Chính phủ với sự trợ giúp của hệ thống e-Cabinet sẽ đạt được mục tiêu họp không giấy tờ, với việc sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ, trừ những văn bản mật. Đồng thời, 100% các nội dung cần xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên môi trường mạng nên đảm bảo tính đồng loạt, nhanh chóng, chuẩn xác. Hệ thống e-Cabinet cũng bảo đảm kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các văn bản được quản lý đồng bộ, đầy đủ, khoa học, an toàn trên môi trường điện tử, vừa thuận tiện cho việc lưu trữ, tra cứu, vừa tiện lợi trong việc sử dụng. Hệ thống e-Cabinet chính thức đi vào hoạt động là công cụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Công cụ xây dựng Chính phủ điện tử      Xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu của mọi quốc gia phát triển. Tại lễ khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp, xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet diễn ra ngày 24/6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã phát triển hệ thống này từ lâu và rất thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử. Do đó, Việt Nam phải rút ra kinh nghiệm thành công - không thành công từ các Chính phủ, để làm tốt hơn việc sử dụng hệ thống e-Cabinet tại Việt Nam. Để hệ thống e-Cabinet hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần có khung cơ sở pháp lý quy định việc chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, xác thực điện tử, chế độ báo cáo… giữa các cơ quan hành chính của Chính phủ, Nhà nước. Đồng thời, Việt Nam cần củng cố hạ tầng thông tin, đảm bảo sự thuận lợi, đảm bảo an toàn an ninh mạng, an ninh thông tin, ngăn chặn mọi hình thức phá hoại thông tin. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Việc phát triển hệ thống phần mềm phải phù hợp với nội dung hoạt động, điều kiện, đặc điểm của Chính phủ Việt Nam, cần có e-Cabinet mang bản sắc Việt Nam”. Trước khi chính thức khởi động hệ thống e-Cabinet, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thử nghiệm sử dụng hệ thống để lấy ý kiến, hoàn thiện các tính năng cho hệ thống; tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống cho các Trợ lý, Thư ký thành viên Chính phủ, cán bộ công chức của Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, bao gồm cả việc học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm thành công - không thành công của các nước. Bên cạnh đó, Chính phủ huy động hệ thống các công ty công nghệ, các cơ quan có liên quan vào việc xây dựng Chính phủ điện tử. Chuyên gia về e-Cabinet của Ngân hàng Phát triển Châu Á Kavisk Kasbekas chia sẻ: Chính phủ Việt Nam có tầm nhìn chiến lược về việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới hiện đại hóa hệ thống hoạt động, cải thiện hiệu quả hoạt động quản trị của Chính phủ thông qua áp dụng công nghệ thông tin. Về lâu dài, những sáng kiến công nghệ thông tin, như việc xây dựng hệ thống e-Cabinet sẽ góp phần cải thiện đáng kể năng lực của hệ thống dịch vụ công tại Việt Nam. Hệ thống e-Cabinet không chỉ cải thiện đáng kể tốc độ, sự linh hoạt trong các hoạt động của Chính phủ, còn giúp minh bạch hóa quá trình Chính phủ ra các quyết định. Sử dụng hệ thống e-Cabinet không dùng giấy tờ là một phương thức làm việc mới. Việc chuyển đổi sang phương thức làm việc mới bao giờ cũng có nhiều điểm khó khăn. Từ trước đến nay, việc đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo của Nhà nước chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, theo chuyên gia Trần Minh Tiến, Tổ công tác giúp việc của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, lần triển khai ứng dụng e-Cabinet này đặc biệt thuận lợi do ý chí quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, sự liên kết mạnh mẽ, tập hợp được lực lượng và tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị trong, ngoài nước, của Văn phòng chính phủ, các bộ, ngành: Thông tin truyền thông, Ban cơ yếu Chính phủ… Việc đổi mới phương thức làm việc sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, tạo môi trường làm việc hiện đại, minh bạch, giảm thời gian, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý công việc. Đưa hệ thống e-Cabinet vào triển khai trong thực tế là bước tiến quan trọng hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Ngọc Bích

Có thể bạn quan tâm