Đẩy mạnh thực hiện chính sách dân tộc vùng đồng bào Khmer Nam Bộ

Đẩy mạnh thực hiện chính sách dân tộc vùng đồng bào Khmer Nam Bộ
Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Trần Minh Thống phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồng Giang-TTXVN.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Trần Minh Thống phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồng Giang-TTXVN.
Tham dự hội thảo có ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Bà Huỳnh Thị Sômaly, Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ủy ban Dân tộc cho biết, đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu người, chiếm 7% dân số toàn vùng với nền văn hóa lâu đời cùng truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn có nhiều chủ trương, chính sách toàn diện và phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển của vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Đặc biệt, Chỉ thị 68-CT/TW lần đầu ban hành vào năm 1991, sau đó tiếp tục thực hiện vào năm 2007 đã thực sự đáp ứng những nhu cầu của sư sãi, cán bộ và đồng bào Khmer Nam Bộ; tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế, xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng trong vùng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình thực hiện chính sách vẫn còn gặp một số hạn chế như: Công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; nguồn lực chưa đủ mạnh, định mức hỗ trợ thấp, chưa đồng bộ; một số hoạt động văn hóa, thông tin bằng tiếng Khmer chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng; công tác đào tạo, dạy nghề và bố trí việc làm còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, lãnh đạo ban, ngành và các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đồng bào dân tộc Khmer thời gian tới là tập trung triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ; thực hiện giảm nghèo bền vững, giảm tối đa tỉ lệ hộ nghèo; nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế đáp ứng xu thế phát triển; ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Mục tiêu đến năm 2020, tất cả các tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ giảm từ 50% đến 70% tỉ lệ hộ Khmer nghèo.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Giang-TTXVN.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Giang-TTXVN.
Theo đó, trong công tác giáo dục, toàn khu vực miền Nam thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học cho đồng bào Khmer, phấn đấu 100% xã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở và trung học phổ thông; ban hành nhiều chính sách ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên Khmer, hỗ trợ sinh hoạt phí và miễn giảm học phí; áp dụng các chính sách thu hút giáo viên công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer; kêu gọi, khuyến khích học sinh đến trường, duy trì tỉ lệ lên lớp tối thiểu ở mức 98%; duy trì việc giảng dạy tiếng Khmer tại các trường thuộc địa phương đông đồng bào Khmer như trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Sóc Trăng, trường trung cấp Pali – Khmer tỉnh Trà Vinh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ. Trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer, các cấp, ngành tập trung đầu tư hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề đều khắp các tỉnh, huyện; hỗ trợ chi phí học nghề cho bà con; ban hành bổ sung chính sách của địa phương về đào tạo nghề, tạo việc làm, đưa người lao động Khmer đi làm việc trong và ngoài nước. Về công tác nâng cao chất lượng văn hóa, các tỉnh, thành phố cam kết tiếp tục nâng cao số lượng, thời lượng và chất lượng các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng tiếng Khmer với nội dung và hình thức phong phú; đẩy mạnh phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng trong đồng bào Khmer; tạo điều kiện cho các đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp xây dựng chương trình và biểu diễn phục vụ; bảo toàn và phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, làng nghề truyền thống; tiếp tục vận động các loại hình văn hóa nghệ thuật vật thể và phi vật thể Khmer được công nhận di sản cấp quốc gia. Trong công tác nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc y tế cho đồng bào Khmer, các tỉnh, thành phố tập trung triển khai rộng khắp các chương trình, dịch vụ y tế; đầu tư cho bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo; chú trọng tuyên truyền phòng chống bệnh tật. Trong duy trì và phát triển tôn giáo truyền thống, tiến hành trùng tu, bảo tồn, mở rộng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho quần thể chùa phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ; hỗ trợ xây dựng tháp tưởng niệm ghi công cán bộ, chức sắc, sư sãi có nhiều công lao, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thống nhất đất nước; thường xuyên tổ chức thăm hỏi các chức sắc nhân các dịp lễ, tết cổ truyền; thành lập cơ sở giáo dục, tạo điều kiện cho tăng sinh học tập trong nước và du học nước ngoài; phát triển các lớp Pali-Khmer và chương trình Vini (Phật học) tại các cơ sở giáo dục; tích cực vận động sư sãi, đồng bào Phật tử thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo phương châm “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; cử các vị tăng, ni tiêu biểu tham gia Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, Hội đồng nhân dân các cấp.
Hồng Giang

Có thể bạn quan tâm