Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ

Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ

Ngày 16/11, tại thành phố Lào Cai, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức "Hội thảo định hướng liên kết phát triển vùng trung du, miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW dự và chủ trì hội thảo.

Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các cơ quan, tổ chức quốc tế như Đại sứ quán Australia, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam... cùng các nhà khoa học, chuyên gia.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Hội thảo giúp củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa quan trọng giúp Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020” hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế- xã hội vùng trung du, miền núi Bắc bộ phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt có tính vùng, liên vùng; đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ ảnh 2Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: Hương Thu - TTXVN  

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, vùng trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có vai trò bảo đảm tính bền vững cho môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ; có tiềm năng và lợi thế phát triển nhiều mặt cả về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu; là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống với bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, đa dạng và là quê hương cách mạng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, đây vẫn là “vùng trũng”, vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước; quy mô kinh tế còn nhỏ, trình độ phát triển thấp, không đồng đều, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết.

Trên cơ sở đánh giá khách quan những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế trong liên kết phát triển vùng thời gian qua, bám sát, quán triệt tinh thần các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong việc xác định quan điểm, định hướng phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030, ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển cần chú ý những vấn đề nguyên tắc như: Tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và quy hoạch đồng bộ; tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo đột phá phát triển; đẩy mạnh liên kết phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực; triển khai có hiệu quả các chương trình trọng tâm, trọng điểm.

Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ ảnh 3Lãnh đạo các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ thảo luận về các thuận lợi và khó khăn trong thực hiện liên kết vùng các địa phương. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Tại hội thảo, các ý kiến đều thống nhất sự cần thiết của việc tăng cường liên kết phát triển vùng trung du, miền núi Bắc bộ. Các đại biểu đã cho ý kiến về các vấn đề: Liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ trong quy hoạch phát triển vùng; kinh nghiệm quốc tế về liên kết phát triển vùng và gợi mở cho vùng; các thuận lợi và khó khăn trong thực hiện liên kết vùng; phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng; phát triển hành lang kinh tế liên kết vùng trung du và miền núi Bắc bộ...

Tham luận về vấn đề quy hoạch phát triển vùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, các địa phương tổ chức không gian phát triển vùng với 4 hành lang phát triển gồm hành lang kinh tế Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng; hành lang Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Cạn; hành lang Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Các tiểu vùng Tây Bắc (gồm 7 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai) với các đô thị trung tâm Sơn La, Yên Bái là địa bàn trọng điểm thủy điện quốc gia, phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển du lịch, nông lâm nghiệp phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tiểu vùng Đông Bắc (gồm 7 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang) với đô thị động lực và Thái Nguyên, Bắc Giang tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, các dịch vụ thương mại, logistics và vận tải, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khám phá, công nghiệp công nghệ thông tin, chế biến chế tạo....

Về định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương nêu ý kiến, vùng cần tạo việc làm, phát triển thị trường lao động; thúc đẩy phát triển thị trường lao động phù hợp và hiện đại; đẩy mạnh vai trò của Chính phủ trong giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng trên cơ sở phù hợp với thế mạnh và đặc điểm nông lâm nghiệp vùng; nghiên cứu các giải pháp, mô hình cải thiện khu vực phi chính thức; thúc đẩy chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, phi nông nghiệp; xây dựng chính sách việc làm đặc thù cho nhóm dân tộc thiểu số; đề án thanh niên nông thôn...

Lãnh đạo các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ cũng thảo luận về các thuận lợi và khó khăn trong thực hiện liên kết vùng các địa phương. Các đại biểu đã làm rõ được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tổng thể vùng và của vùng trong tổng thể quốc gia; đề xuất định hướng lớn về vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của địa phương trong tổng thể vùng, của vùng trong tổng thể quốc gia; định hướng liên kết chính về các ngành, lĩnh vực và các trục liên kết chính của vùng phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng trong thời gian gần đây, đặc biệt là Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm