Đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho người lao động sau dịch COVID-19 ở Kon Tum

Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Kon Tum tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ người lao động tìm được việc làm sau dịch COVID-19. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.
Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Kon Tum tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ người lao động tìm được việc làm sau dịch COVID-19. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.

Năm 2022, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương trong tỉnh giải quyết việc làm cho 6.200 lao động tại địa phương; trong đó, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh nhiều công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông với số lượng lớn, các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, tư vấn cho người lao động tìm được việc làm sau đại dịch COVID-19.

Đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho người lao động sau dịch COVID-19 ở Kon Tum ảnh 1Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Kon Tum tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ người lao động tìm được việc làm sau dịch COVID-19. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.

Nhu cầu lao động và tuyển dụng lao động cao

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhu cầu lao động của các tỉnh, thành phố phía Nam như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai...đang rất cao. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã gửi văn bản cho Sở nhờ hỗ trợ tuyển dụng lao động với tổng số lên đến hơn 10.000 người. Không chỉ các tỉnh, thành phố bạn, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh cũng tăng cao, đặc biệt tại các công ty cao su của Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng hay Xí nghiệp May Kon Tum.

Buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề năm 2022 tại xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy, diễn ra vào cuối tháng 2/2022 thu hút được gần 100 lao động tại địa phương tham gia. Đa số người lao động đều có tuổi đời còn khá trẻ, do chưa có việc làm ổn định nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, mong muốn của các lao động này là tìm được một công việc phù hợp, cho thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.

Ông A Tran (sinh năm 1972, làng Đăk Tân, xã Sa Nghĩa) cho biết, gia đình ông có 7 người con, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào hơn 1 ha cà phê nên rất khó khăn. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, người con đầu của ông Tran đã vào làm việc cho một doanh nghiệp tại Bình Dương nên đã đỡ đần được vợ chồng ông một phần về tài chính để nuôi các em ăn học. Tuy nhiên, sau khi dịch bùng phát, con của ông không thể tiếp tục làm việc mà phải quay trở về địa phương. "Con thứ hai của tôi cũng được 18 tuổi rồi, nên tôi đến tham dự buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề này để tìm kiếm cơ hội việc làm cho các con. Tôi được cán bộ tư vấn, giới thiệu, tôi sẽ về trao đổi với các con để quyết định làm việc ở đâu, rồi sau đó sẽ làm đơn xin việc gửi cho Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh”, ông A Tran chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên em A Lương (sinh năm 2004, trú xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy) tham dự một buổi tư vấn, giới thiệu việc làm. Tròn 18 tuổi, em biết mình đã có thể làm hồ sơ xin được đi làm để phụ giúp kinh tế gia đình, bởi trước đây, gia đình em có tới 6 người song phụ thuộc hoàn toàn vào 1 ha cà phê.

Theo ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sa Thầy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã có khoảng 500 lao động trên địa bàn huyện trở về từ các doanh nghiệp ở phía Nam. Đến nay, một số lao động đã chủ động liên hệ, trở lại làm việc, còn một số khác chưa tìm được công việc phù hợp. Cùng với số công dân đã đủ độ tuổi lao động, hiện trên địa bàn huyện còn khoảng 300 lao động chưa tìm được việc làm, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch giải quyết việc làm, trước mắt trong thời gian tới sẽ đưa 200 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước cũng như xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, hiện nay, qua quá trình khảo sát, người lao động trên địa bàn vẫn còn tâm lý e ngại trước dịch bệnh cũng như không yên tâm về chế độ, chính sách của các doanh nghiệp. Vì vậy, phòng cũng đề nghị các doanh nghiệp khi tuyển dụng cần cam kết về các chính sách hỗ trợ để người lao động yên tâm vào làm việc.

Hỗ trợ tối đa cho người lao động

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết, trong năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao đơn vị hỗ trợ, giải quyết việc làm cho 740 lao động; trong đó, có 100 lao động làm việc ở nước ngoài. Trong hai tháng đầu năm, Trung tâm đã cung ứng, hỗ trợ việc làm cho gần 100 lao động.

Dù hiện nay nhu cầu lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam rất cao, thậm chí đã có văn bản xin lao động từ các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, song theo Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh việc đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đa số lao động người đồng bào dân tộc thiểu số khi đi làm việc ngoài tỉnh thường chưa mạnh dạn, chưa quen với tác phong làm việc công nghiệp, ngại xa nhà....Vì vậy, khi giới thiệu việc làm và tư vấn cho người lao động, Trung tâm luôn phải lựa chọn các doanh nghiệp có điều kiện làm việc tốt, có các chính sách phúc lợi, hỗ trợ nhà ở cho người lao động.

Đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho người lao động sau dịch COVID-19 ở Kon Tum ảnh 2Các lao động trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua các buổi tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ người lao động tìm được việc làm của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.

Thực tế dù đã tìm được công việc phù hợp với người lao động, song trong quá trình làm việc, khi phát sinh một số yếu tố bất lợi như sai sót trong quá trình làm việc, nhớ gia đình...thì người lao động dễ bỏ ngang. Bằng chứng là trong năm 2020, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum đã giới thiệu, hỗ trợ cho khoảng 600 lao động. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, số lao động làm việc tại các tỉnh phía Nam chỉ còn khoảng 10%.

“Trước khi đưa người lao động đi làm việc ở các tỉnh, Trung tâm tổ chức tư vấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người lao động, nhất là kỹ năng giao tiếp tại nơi làm việc, giao tiếp khi sống trong tập thể, tác phong làm việc công nghiệp, phổ biến cho bà con các chế độ, chính sách, quyền lợi, trách nhiệm khi đi làm việc tại các doanh nghiệp. Đặc biệt là sẽ làm việc với Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh bạn cũng như các doanh nghiệp để bố trí nơi ăn ở ổn định, sạch sẽ cho bà con, hỗ trợ tiền xe, hỗ trợ test COVID-19 trước khi đi, tiền ăn trong thời gian làm việc cũng như trên xe, giúp bà con yên tâm làm việc”, bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh vấn đề hỗ trợ cho người lao động tìm được việc làm sau dịch COVID-19 được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, bởi người lao động hiện nay đang rất cần việc. Ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo cho Trung tâm dịch vụ việc làm và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố triển khai ngay việc hỗ trợ cho người lao động bằng nhiều hình thức như tư vấn, giới thiệu việc làm cho người dân; trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là thanh niên.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum khẳng định, hiện nay, các huyện, thành phố đang rà soát lại nhu cầu cung cầu lao động ở địa phương để phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn cho người dân đi làm việc tại các doanh nghiệp có nhu cầu trong tỉnh hoặc ở thị trường Bình Dương và các tỉnh khác. Thống kê của Sở cho thấy, có rất nhiều công ty ở các tỉnh bạn đã gửi công văn về tuyển dụng lao động, thậm chí là có công ty đề nghị đến 10.000 công nhân. Thêm vào đó là thị trường xuất khẩu lao động đang khôi phục, một số công ty trong lĩnh vực này cũng đang hoạt động trở lại, đang liên kết, liên hệ để tìm lao động. Quan điểm của Sở là sẽ hỗ trợ tối đa cho người lao động tìm được việc làm phù hợp.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm