Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ vải thiều mùa vụ năm 2015

Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ vải thiều mùa vụ năm 2015

Cụ thể, đối với thị trường nội địa, vải tươi được tiêu thụ trải rộng khắp toàn quốc, trong đó, tập trung nhiều tại các địa phương khu vực phía Bắc và các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh,…Thị trường phía Nam được đánh giá tiếp tục sẽ là khu vực tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với thị trường xuất khẩu, lượng vải thiều sẽ chủ yếu được xuất sang các thị trường: Trung Quốc, các nước ASEAN (Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore…) và các nước châu Âu. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu.

Về thời gian thu hoạch vải niên vụ 2015, thu hoạch sớm dự kiến từ ngày 15/5 đến 5/6/2015 (tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Lục Nam và Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang), thu hoạch vải chính vụ dự kiến từ ngày 1/6 đến 20/7/2015. Về giá cả, năm nay, giá vải thiều được dự báo ổn định và có mức tương đương với năm 2014, đồng thời, dự báo tình hình tiêu thụ năm nay sẽ tương đối thuận lợi và ổn định hơn so với các năm trước.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ vải thiều cũng như các giải pháp tiêu thụ nông sản nói chung, theo Bộ Công Thương, rất cần đến việc phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp. Đồng thời, về lâu dài, cần quan tâm tới các giải pháp thiết thực, trong đó, cần tiếp tục tập trung nâng cao và mở rộng hơn nữa các hoạt động về xúc tiến thương mại. Đặc biệt. tiếp tục nâng cao hơn nữa tính chủ động và vai trò của doanh nghiệp trong quá trình tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, tăng cường cập nhật, theo dõi và cung cấp thông tin về diễn biến tình hình sản xuất, sản lượng, tồn kho, chính sách và nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa. Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến tới các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng cũng như các hàng rào kỹ thuật và thương mại của thị trường nhập khẩu để tận dụng tối đa các ưu đãi hoặc kịp thời ứng phó khi có rào cản phát sinh. Giới thiệu danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam đến các đối tác nước ngoài, góp phần giới thiệu và kết nối thông tin giúp các doanh nghiệp. Mặt khác, cần theo dõi sát, nắm bắt diễn biến phát sinh các rào cản thương mại (bảo hộ mậu dịch, chống bán phá giá, chống trợ cấp...) tại các thị trường nhập khẩu, từ đó đề xuất các phương án đấu tranh hiệu quả đối với các rào cản không phù hợp đối với hàng hóa của Việt Nam./.

Theo Web ĐCSVN

Có thể bạn quan tâm