Đầu tư xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch mới lạ, độc đáo tại quần đảo Nam Du

Quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang gồm 21 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc 2 xã Nam Du và An Sơn đang thu hút nhiều du khách tìm đến thưởng ngoạn. Sức hấp dẫn của quần đảo này mang vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình". Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang gồm 21 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc 2 xã Nam Du và An Sơn đang thu hút nhiều du khách tìm đến thưởng ngoạn. Sức hấp dẫn của quần đảo này mang vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình". Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Thời gian qua, quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện về đường giao thông quanh đảo, bến cập tàu, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc... Bên cạnh đó, nhờ sự thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị về phát triển du lịch địa phương, diện mạo từng xã trong Khu du lịch quần đảo Nam Du ngày càng khởi sắc và du lịch có chiều hướng phát triển mạnh.

Đầu tư xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch mới lạ, độc đáo tại quần đảo Nam Du ảnh 1 Quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang gồm 21 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc 2 xã Nam Du và An Sơn đang thu hút nhiều du khách tìm đến thưởng ngoạn. Sức hấp dẫn của quần đảo này mang vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình". Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Khách du lịch ngày càng tăng

Quần đảo Nam Du gồm hai xã An Sơn và Nam Du, với 21 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích đất hơn 900 ha (trong đó xã An Sơn 11 hòn đảo lớn, nhỏ có 1.126 hộ, với 4.139 khẩu; xã Nam Du 10 hòn đảo lớn, nhỏ với 987 hộ, 3.348 khẩu), cách trung tâm thành phố Rạch Giá khoảng 90 km, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Quần đảo Nam Du được UBND tỉnh công nhận là Khu du lịch địa phương năm 2017.

Nam Du có cảnh quan thiên nhiên phong phú, tiềm năng phát triển các loại hình du lịch như du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, sinh thái, vườn đồi, leo núi, thể thao dưới nước… tại Bãi Mến, Bãi Nhum, Bãi Đất Đỏ, Bãi Sỏi (xã An Sơn), Bãi Chướng, Bãi Nồm, Bãi Đá Đen, Bãi Nam của Hòn Mấu, Bãi Nam, Bãi Bấc của Hòn Dầu và Hòn Đụng, Hòn Lò, Bờ Đập (xã Nam Du).

Nơi đây còn có điểm tham quan leo núi hấp dẫn như dốc Ông Tình, đỉnh Ra đa, ngọn hải đăng cao 390 m so với mặt nước biển, hệ thống rừng nguyên sinh đa dạng của Hòn Dầu. Tại đây còn có các cơ sở tín ngưỡng dân gian mang đậm nét văn hóa biển đảo như Miếu Bà Chúa xứ Hòn Ngang, Lăng Ông Nam Hải Hòn Mấu (Nam Du), miếu Bà Chúa xứ, miếu Ông Bổn, Dinh Ông Nam Hải (An Sơn)…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiên Hải Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, sau 4 năm từ khi quần đảo Nam Du được công nhận là Khu du lịch địa phương, lượng khách đến tham quan, du lịch ngày càng tăng. Từ năm 2018-2021, Khu Du lịch quần đảo Nam Du đón trên 603.900 lượt khách, trong đó có 1.050 lượt khách nước ngoài; tổng doanh thu đạt gần 584 tỷ đồng. Riêng 8 tháng năm 2022, lượng khách du lịch đến quần đảo Nam Du là trên 106.500 lượt, tăng 101,4% so cùng kỳ năm 2021, doanh thu đạt gần 180 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tuy quy mô không lớn nhưng chất lượng dịch vụ không ngừng được cải thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đầu tư xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch mới lạ, độc đáo tại quần đảo Nam Du ảnh 2Khách du lịch trên bãi biển Hòn Mấu (Nam Du). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch

Từ khi được công nhận là Khu du lịch địa phương đến nay, quần đảo Nam Du đã được đầu tư hệ thống lộ quanh đảo, cầu cảng, hồ chứa nước và phương tiện vận chuyển hành khách. Cơ sở lưu trú kinh doanh dịch vụ du lịch từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đến nay, có nhiều điểm du lịch trên địa bàn được đầu tư khang trang và đi vào hoạt động hiệu quả.

Địa bàn hai xã An Sơn và Nam Du hiện có 55 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 700 phòng; hơn 30 cơ sở đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ đối với cơ sở lưu trú du lịch. Ngoài ra, ở đây còn có 2 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, 2 bè nuôi cá kết hợp kết hợp làng bè đón khách du lịch; 34 điểm mua sắm, ăn uống, 9 điểm du lịch vui chơi giải trí; các phương tiện của đơn vị vận tải hành khách như tàu Superdong, Express, Ngọc Thành, Hòa Bình Ship; 20 tàu chở khách du lịch tham quan, câu cá, lặn ngắm san hô...

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiên Hải cho biết, để du lịch quần đảo Nam Du nói riêng và Kiên Hải nói chung phát triển thời gian tới, trước mắt, huyện tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Bên cạnh đó, địa phương tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch quần đảo Nam Du bằng nhiều hình thức; mở rộng phạm vi, đối tượng hợp tác phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước. Huyện quan tâm vận động, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư dự án dịch vụ quy mô lớn.

Song song đó, huyện tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh và nguồn vốn huy động khác tập trung đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; đầu tư sớm hoàn thành trung tâm thương mại, chợ đêm; kêu gọi đầu tư khu vui chơi giải trí, sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của du khách. Huyện nghiên cứu đầu tư xây dựng sản phẩm dịch vụ mới lạ, độc đáo, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Huyện đảo Kiên Hải tiếp tục tăng cường kêu gọi đầu tư một số điểm du lịch mới để thu hút khách du lịch lưu trú dài hạn như, phát triển du lịch leo núi dốc Ông Tình, đài Ra đa, xây dựng cáp treo nối đến một số đảo đang phát triển du lịch tại quần đảo Nam Du.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm