Đầu tư hạ tầng giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 2)

Đầu tư hạ tầng giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 2)
Bài 2 (tiếp theo và hết): Kỳ vọng vào cơ chế, chính sách đặc thù
Tăng nguồn thu cho ngân sách 
Tại cuộc họp sơ kết 2 năm rưỡi về thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 diễn ra vừa qua, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành chức năng phải căn cứ vào nguồn lực, tính toán tính khả thi, tính cấp bách của các dự án. Từ đó, phân loại việc sử dụng nguồn vốn, phương thức đầu tư nào cho phù hợp trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn.
Việc đưa vào sử dụng hầm chui rẽ trái từ đường Võ Chí Công vào đường Nguyễn Thị Định và cầu vượt trên đường Vành đai 2 tại nút giao Mỹ Thủy giúp giao thông khu vực ra vào Cảng Cát Lái thông thoáng. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Việc đưa vào sử dụng hầm chui rẽ trái từ đường Võ Chí Công vào đường Nguyễn Thị Định và cầu vượt trên đường Vành đai 2 tại nút giao Mỹ Thủy giúp giao thông khu vực ra vào Cảng Cát Lái thông thoáng. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Tuy nhiên, dù có thay đổi phương thức đầu tư nào cho phù hợp thì yêu cầu quan trọng là thành phố phải có những giải pháp hữu hiệu để tăng nguồn vốn ngân sách. Bởi chính nguồn ngân sách này sẽ tạo đà để thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho những dự án hạ tầng giao thông cấp bách hoặc giải quyết những “nút thắt” trong quá trình triển khai các dự án theo hình thức PPP. Chẳng hạn như thành phố cần nguồn vốn ngân sách để chủ động tạm ứng triển khai việc thu hồi và tổ chức đấu thầu một số khu đất, mặt bằng nhà xưởng giá trị lớn để tạo vốn đầu tư các công trình giao thông trọng điểm. Thậm chí, bằng cách làm này sẽ thu hút các nhà đầu tư tham gia cho các dự án có tính khả thi không cao (không có khả năng thu hồi vốn hoặc thu hồi vốn thấp) nhưng lại là những dự án trọng điểm, giải quyết các vấn đề bức xúc, kiềm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy về giải pháp huy động ngân sách, theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Đại học Nguyễn Tất Thành, bằng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 54, thành phố có thể vận dụng tạo ra các kênh huy động vốn từ xã hội hóa hoặc chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tạo vốn. “Việc vay vốn để đầu tư cho tương lai thì tương lai phải chịu trách nhiệm trả nên người dân sẽ ủng hộ. Quan trọng nhất là kiến tạo ra các dự án công vừa hấp dẫn tư nhân đầu tư, vừa tạo ra tiện ích cho cộng đồng để khả thi khi thực hiện, góp phần phát triển văn minh đô thị”, ông Điền cho biết. Bên cạnh đó, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước do thành phố quản lý theo đề án sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng, đối với hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được ngân sách thành phố đầu tư cần có chính sách tổ chức khai thác nhằm tăng nguồn thu và giảm các chi phí quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên. Theo đó, thành phố nghiên cứu tổ chức cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu để các đơn vị được thuê trả một khoản phí nhất định nhằm bù đắp khoản chi ngân sách. Như các dự án được đầu tư hoàn thành từ các nguồn vốn ODA, nguồn ngoài ngân sách là một trong những đối tượng khai thác tiềm năng như tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng… vừa tạo thêm nguồn thu vừa chỉnh trang đô thị dọc tuyến. Về giải pháp huy động nguồn lực từ đất, hiện nay với hệ thống chính sách thu từ nguồn bất động sản có 7 khoản thu được chia thành 3 nhóm các khoản thu khi xác lập quyền sở hữu; các khoản thu khi sử dụng bất động sản; các khoản thu phát sinh trong quá trình chuyển nhượng bất động sản. Theo một số chuyên gia, các khoản thu này chưa tính đến việc điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không do người sử dụng đất mang lại. Hiện này, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thành công các chính sách thu điều tiết đối với giá trị tăng thêm từ đất ở các khu vực do việc đầu tư cơ sở hạ tầng làm gia tăng giá trị của nhà, đất sở hữu bởi tư nhân.“Khi Luật thế tài sản chưa được ban hành, thành phố nên vận dụng cơ chế đặc thù để thực thi chính sách thu do việc đầu tư cơ sở hạ tầng làm gia tăng giá trị của bất động sản”, bà Nguyễn Thị Tuyết Như, Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị.Cần hướng đi bền vững  Ngoài nguồn vật lực từ đất đai, còn có các nguồn thu khác từ các khoản thu tăng thuế trong danh mục (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên môi trường) và các khoản thuế mới ngoài danh mục do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo cơ chế đặc thù. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Như, triệt để áp dụng thu thế bảo vệ môi trường từ những cơ sở sản xuất gây tiếng ồn, khói bụi hay phí chiếm dụng lề đường là cách làm hiệu quả vừa tăng thêm nguồn thu cho thành phố mà còn bảo vệ môi trường, chấn chỉnh được trật tự đô thị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị thành phố cũng hết sức cân nhắc bởi tăng mức thuế, thuế suất cũng như áp dụng một số loại phí, lệ phí sẽ giúp thành phố tăng nguồn thu nhưng việc triển khai thực hiện sẽ vô cùng khó khăn. Chẳng hạn như từ ngày 01/8, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô với mức phí mới theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố trên 20 tuyến đường thuộc các quận 1, 5 và quận 10. Theo đó, tuỳ theo loại phương tiện, mức phí mới tối thiểu từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/giờ thay vì 5.000 đồng/giờ như trước đây. Tuy nhiên sau 20 ngày đưa vào hoạt động, theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải thành phố hiệu quả không đạt theo yêu cầu. Các đơn vị chức năng chỉ thu được 220 triệu đồng, tức là mỗi ngày thu khoảng 11 triệu đồng, tương đương với mức phí thu theo lượt (5.000 đồng) như trước, tỷ lệ thất thoát nguồn thu hơn 50%. Nguyên nhân là do phần mềm thu phí còn trục trặc, thiết bị trang bị cho các đơn vị thu phí hay xảy ra sự cố, công tác phối hợp giữa đơn vị thu phí và lực lượng hướng dẫn còn chưa đồng bộ, đơn vị thu vẫn làm trong giờ hành chính gây ra tình trạng thất thoát nguồn thu. Một vấn đề cần lưu ý mà theo ông Huỳnh Thanh Điền là cơ chế đặc thù trao quyền chủ động cho thành phố thực hiện một số việc liên quan đến thu và sử dụng nguồn ngân sách để kiến tạo môi trường kinh doanh, phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Rủi ro lớn nhất khi triển khai cơ chế đặc thù là việc chính quyền bàn quá nhiều đến cơ chế mở rộng hoặc tăng cường mức độ của nguồn thu. Do vậy, thành phố nên nhất quán nguyên tắc “gia tăng nguồn thu ngân sách thông qua thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”. “Khi nhiều doanh nghiệp được thành lập, mở rộng quy mô và tăng hiệu quả kinh doanh thì tức khắc nguồn thu cho ngân sách sẽ tăng lên một cách bền vững”, ông Điền nói. Để làm được điều đó, theo bà Trần Thị Hằng, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, thành phố cần có những cải cách thể chế theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa… tiếp cận các yếu tố đầu vào như thông tin, đất đai, tính minh bạch, gia nhập thị trường… như nhau trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng để xây dựng lực lượng doanh nghiệp ngày càng lớn, mạnh./.
Anh Đức
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm