Dấu ấn văn hóa Vân Kiều ở Eo Bù - Chút Mút

Dấu ấn văn hóa Vân Kiều ở Eo Bù - Chút Mút
Ayơh, bánh nếp dẻo thơm, độc đáo

Bản Eo Bù-Chút Mút có 60 hộ dân sinh sống (3 hộ người Kinh, 57 hộ người Vân Kiều). Sống giữa chơi vơi đại ngàn, cách biệt hoàn toàn với đồng loại nên những dấu ấn văn hóa mà người Vân Kiều sáng tạo ra luôn nổi bật và cô đọng. Xuất phát từ suy nghĩ thấu đáo, rằng lúa tẻ hay lúa nếp đều do chính thần đất, thần mặt trời, mặt trăng ban tặng cho con người, mỗi người phải có trách nhiệm gìn giữ và trân quý những hạt ngọc quý báu ấy, từ đó bánh Ayơh đã ra đời. Người Kinh khi nấu xôi gạo lúa nếp sẽ đãi sạch rồi ngâm nước trước, kế đó mới hông xôi, người Vân Kiều thì đãi sạch nếp khô rồi trực tiếp cho vào nồi hông (nấu cách thủy) luôn.  

Khi nấu xôi để chế biến bánh Ayơh, người Vân Kiều cực kỳ để ý đến ngọn lửa bếp, tránh bị tắt lịm giữa chừng, vì như thế sẽ bất kính với giàng. Xôi được nấu chín trên ngọn lửa liu riu suốt hơn 2 giờ đồng hồ. Từ mẻ xôi dẻo thơm và đang bốc hơi như thế, người làm bánh vớt vào trong cối gỗ trộn với mè đen Vân Kiều (hạt nhỏ, tròn đều và thơm hơn loại mè thông thường mà theo người Vân Kiều, loại này đặc trị được bạc tóc, táo bón) đã được rang chín, giã nhuyễn. Xôi nếp cộng với mè đen giã mịn nhanh chóng đổi sắc thành màu đen, tiếp theo người làm bánh múc từng muỗng xôi phết lên mâm tre đến khi nào mâm xôi đầy đặn và “vun” lên cao, tròn đầy tựa vầng trăng rằm là đạt ý muốn.
 
Người Vân Kiều sống trong những căn nhà sàn kiên cố.
Người Vân Kiều sống trong những căn nhà sàn kiên cố.

Ngày trước, người Vân Kiều ở Eo Bù-Chút Mút quan niệm, bánh Ayơh là của lễ thiêng liêng chỉ thần linh mới được phép hưởng thụ. Dần dà, họ sử dụng bánh Ayơh trong các dịp lễ, tết, hỏi cưới, thết đãi bạn hiền hay làm quà biếu, trao đổi sản vật vùng miền. Bánh Ayơh ngon khi vừa mới chế biến xong và đặc biệt ngon khi cất lại hàng tháng sau mới đưa ra thưởng thức. Trong những đợt khai hoang đất rẫy hay săn bắn dài ngày, lương thực chính của đồng bào luôn là bánh Ayơh. Khi đói, chỉ cần vót một con dao tre nhỏ, cắt từng miếng bánh ra, múc nước khe ngâm cho mềm sau đó nhen lửa lên nướng. Dầm qua lửa, bánh Ayơh bung nở vàng rộp, nức nao mùi mè đen và không thể chê vào đâu được khi ăn đặc sản này kèm thịt nướng với rau rừng.

Không cầu kỳ, màu mè, không cay nồng ngũ vị, bánh Ayơh vẫn đặc trưng, dân dã; vẫn hấp dẫn, độc đáo. Mùi vị của bánh Ayơh phảng phất những ngày lao công vất vả của người Vân Kiều, mang lại cảm giác an nhiên khi loại bánh này chính là vật phẩm tượng trưng cho cảm thức tâm linh đủ đầy của người Vân Kiều về vũ trụ vạn vật. Theo quan niệm, ai may mắn được người Vân Kiều mời thưởng thức bánh Ayơh là năm đó lộc trời sẽ “đổ tuôn không ngơi” vào người đó.

Xi-lúc-thắc (áo thắc), chiếc áo lễ hội đặc sắc

Áo thắc là một dạng áo nữ được đồng bào Vân Kiều giữ gìn như bảo vật mà bây giờ số lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay ở mỗi làng bản. Dường như đã trở thành quy tắc bất di bất dịch, chỉ người nào được tin tưởng người Vân Kiều mới đem áo thắc ra cho xem, ngoài ra không mặc cả, không đổi chác, không bán mua. Áo thắc quý giá vì nhiều lý do. Trước hết, đây là chiếc áo được chính bàn tay phụ nữ Vân Kiều ngày xưa, cũng là tổ tiên của họ tự tay dệt vải (chất lượng như vải xô hiện nay), tự tay thêu thùa rồi tự may lấy bằng bàn tay khéo léo. Đặc tính “cha truyền con nối” này của chiếc áo thắc đã làm cho trang phục truyền thống của người Vân Kiều vốn không kiểu cách, lụa là trở thành dấu ấn văn hóa cần được tồn giữ.
 
Áo thắc của phụ nữ Vân Kiều
Áo thắc của phụ nữ Vân Kiều

Áo thắc có cả giá trị kim tiền vì từ một vòng quanh cổ áo, tới hai vạt cúc áo, đến những điểm nhấn trên áo đều được đính hoàn toàn bằng đồng tiền Đông Dương làm từ kim loại bạc (ra đời vào khoảng thời gian 1885-1954). Những đồng tiền sáng loáng mà người Vân Kiều hay gọi là đồng bạc hoa xòe của người xưa, thích hợp nhất để làm kỷ niệm. Thiết nghĩ áo thắc giá trị chỉ để cất giữ, để khoe mẽ thì chẳng có gì đặc sắc. Áo thắc trị giá ở chỗ, nó vẫn hiện diện thường trực trong sắc màu đa thần ở các lễ hội của người Vân Kiều xưa nay. Trong đó không thể không nhắc đến lễ tục cưới hỏi.

Các cụ bà ở Eo Bù-Chút Mút hồi tưởng, trước đây, hộ gia đình Vân Kiều nào cũng sở hữu một chiếc áo thắc, con gái về nhà chồng đều được mẹ tự tay may hoàn chỉnh chiếc áo thắc, vừa làm của hồi môn vừa để con mình được xúng xính bằng bạn bằng bè, nở mày nở mặt với bà con hai họ trong đám cưới. Từ lâu, phụ nữ Vân Kiều luôn ý thức được áo thắc sẽ là tín vật kết ước duyên phận nhưng do chiến tranh, do đói nghèo nên ban đầu là bán đồng bạc Đông Dương đính trên áo để mua vải vóc, sau đó họ bán luôn cả tấm áo để đổi lấy lương thực.

Áo thắc còn lại số lượng ít ỏi là vì thế. Giờ đời sống đồng bào đã khấm khá, diễn trình văn hóa thuở nao vẫn sống động trong tâm trí nhưng để tự tay dệt nên một tấm áo thắc, thêu hoa văn chỉnh chu cũng như đính đầy đủ số lượng tiền đồng trên áo là điều không dễ. Và thế là những dòng họ nào, những gia đình nào may mắn giữ lại những chiếc áo thắc thì còn sung sướng hơn cả bắt được vàng. Ai không có thì đến ngày cưới con lại phải đi mượn để không mang tiếng “lạc loài” với đồng tộc và nhất là để làm đẹp lòng tiên tổ.
Báo Điện tử Quảng Bình

Có thể bạn quan tâm