Dấu ấn kinh tế tập thể ở Ninh Thuận

Dấu ấn kinh tế tập thể ở Ninh Thuận

Để nâng cao hiệu quả, đưa kinh tế tập thể thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội, Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thêm từ 100 - 120 tổ hợp tác, 50 - 60 hợp tác xã, tỷ lệ hợp tác xã đạt khá tốt trở lên chiếm 50%, đưa kinh tế tập thể chiếm từ 10 - 11% GRDP của tỉnh…

Dấu ấn kinh tế tập thể ở Ninh Thuận ảnh 1Ninh Thuận hiện có trên 90 hợp tác xã, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Công Thử

Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 90 hợp tác xã, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp với 71 hợp tác xã, chiếm 76,3%; sản xuất tiểu thủ công nghiệp có 7 hợp tác xã, chiếm 7,5%; kinh doanh dịch vụ tổng hợp có 7 hợp tác xã, chiếm 7,5%; lĩnh vực vận tải có 5 hợp tác xã, chiếm 5,4% và 3 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, chiếm 3,2%.

Dấu ấn kinh tế tập thể ở Ninh Thuận ảnh 2Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng một số mô hình hợp tác xã kiểu mới của Ninh Thuận vẫn hoạt động hiệu quả và được nhân rộng. Ảnh: Công Thử

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng hoạt động kinh tế tập thể của Ninh Thuận năm 2021 tiếp tục được duy trì ổn định và có bước phát triển, quy mô sản xuất được mở rộng. Một số mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả được nhân rộng; liên kết giữa các hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự phát triển.

Dấu ấn kinh tế tập thể ở Ninh Thuận ảnh 3Trồng măng tây xanh theo mô hình cánh đồng lớn giúp đồng bào Chăm ở xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thành

Ninh Thuận năm 2021 có 6 hợp tác xã thành lập mới. Các hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ trong sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, mô hình tưới tiết kiệm nước, mô hình trồng rau, dưa lưới trong nhà lưới… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng chục hợp tác xã đã hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên tham gia.

Dấu ấn kinh tế tập thể ở Ninh Thuận ảnh 4Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) có hơn 500 hộ dân thì có hơn 80% số hộ gắn bó với nghề. Làng có 1 hợp tác xã, 3 doanh nghiệp, 4 tổ hợp tác và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 600 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Công Thử

Đến giữa tháng 12/2021, doanh thu bình quân của các hợp tác xã hoạt động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ước đạt 2,25 tỷ đồng/hợp tác xã, trong đó lợi nhuận bình quân ước đạt 220 triệu đồng/hợp tác xã/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã ước đạt 40 triệu đồng/người/năm. Tổng số tổ hợp tác đang hoạt động là 990 tổ, doanh thu bình quân ước đạt 230 triệu đồng/ năm, lợi nhuận bình quân ước đạt 58 triệu đồng/năm.

Dấu ấn kinh tế tập thể ở Ninh Thuận ảnh 5Các hợp tác xã hoạt động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Công Thử

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết: Những năm vừa qua, Ninh Thuận đã chỉ đạo triển khai thực hiện khá đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã, theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Dấu ấn kinh tế tập thể ở Ninh Thuận ảnh 6Đến giữa tháng 12/2021, doanh thu bình quân của các hợp tác xã ở Ninh Thuận ước đạt 2,25 tỷ đồng/hợp tác xã, trong đó thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã ước đạt 40 triệu đồng/người/năm. Ảnh: Công Thử

Tới đây, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, địa phương để hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận nguồn lực về đất đai, tín dụng, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…, giúp các hợp tác xã chủ động vươn lên, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực điều hành để hoạt động có hiệu quả.

Công Thử

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm