Dấu ấn huyện nông thôn mới đầu tiên của Quảng Ngãi

Dấu ấn huyện nông thôn mới đầu tiên của Quảng Ngãi
Giao thông ở các vùng nông thôn huyện Nghĩa Hành. Ảnh: baoquangngai.vn
Giao thông ở các vùng nông thôn huyện Nghĩa Hành. Ảnh: baoquangngai.vn
Về Nghĩa Hành hôm nay, khắp các thôn, xã đều ngập tràn trong sắc thắm của cờ, hoa. Nhân dân háo hức đón chờ ngày trọng đại được đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới diễn ra vào ngày mai 24/8. Chẳng ai nghĩ từ vùng quê thuần nông, Nghĩa Hành đã khoác lên mình một diện mạo mới, phát triển và năng động hơn. Đời sống người dân được nâng cao rõ rệt. Đây chính là thước đo cho sự thành công từ việc xây dựng nông thôn mới. Nghĩa Hành là huyện đồng bằng, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 10 km với diện tích tự nhiên hơn 23.400 ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp khoảng hơn 19.570 ha, chiếm hơn 83%. Huyện có 11 xã và 1 thị trấn, với dân số hơn 91.700 người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Hre là hơn 1.110 người, phân bổ tại 3 xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây và Hành Dũng. Đây là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa lâu đời, người dân giàu lòng yêu quê hương, đất nước và ý chí kiên cường cách mạng. Đây cũng là nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân Quảng Ngãi trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong suốt những năm tháng chiến tranh oanh liệt ấy, vùng đất cách mạng Nghĩa Hành phải gánh chịu nhiều tổn thất, đau thương mất mát. Song bằng ý chí kiên cường, bất khuất, sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nghĩa Hành đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc thời bình, địa phương đã đạt được những dấu ấn quan trọng và được Đảng, nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Mới đây, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Nghĩa Hành lại vui mừng với niềm cảm xúc vỡ òa khi được Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới Để có được điều đó, huyện đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ổn định. Đặc biệt là việc phát triển, nhân rộng các vùng cây ăn quả tập trung tại các xã Hành Minh, Hành Nhân, Hành Tín Đông; vùng trồng lúa chất lượng cao tại xã Hành Dũng, Hành Thịnh; các trang trại quy mô lớn cũng như phát triển cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống…Nhờ đó, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 37 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 4,3%. Ông Phan Bình, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành chia sẻ, huyện định hướng xây dựng hạ tầng là động lực, tiền đề cho phát triển; phát huy vai trò mạnh mẽ của nhân dân, huy động nguồn lực của cộng đồng là nhân tố quyết định. Sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết để từ đó xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, thực sự trở thành phong trào tụ hội ý Đảng, lòng dân rất mạnh mẽ. Qua 8 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động được hơn 995 tỷ đồng, bố trí cho các xã hoàn thiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xã Hành Thịnh là một trong những nơi tiên phong trong việc dồn điền đổi thửa của huyện. Đứng giữa cánh đồng mẫu lớn, với bạt ngàn lúa đang độ chín vàng mới thấy hết được “sứ mệnh” mà nông thôn mới mang lại. Ông Bùi Rân vừa mân mê bó lúa trĩu hạt trên tay vừa nói: “Quả thật nông thôn mới đã làm thay đổi nhiều thứ. Trước mắt, nó tiện cho người nông dân đủ bề, giờ đám nào cũng có đường đi, có mương rãnh hẳn hoi, muốn tiêu úng dễ như trở bàn tay. Nhìn cánh đồng bằng phẳng mà ưng cái bụng, giờ lỡ có đám nào ở giữa chín trước cũng chẳng sợ vì máy gặt đến tận nơi không còn cảnh vất vả như trước đây nữa.” Ông Nguyễn Tấn Bảy, Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh cho hay, có 6 thôn trong xã đã thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa. Xã cũng đã khuyến khích người dân sử dụng nhiều giống mới chất lượng để gieo sạ. Chính vì vậy, năng suất lúa bình quân đạt 67 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Ngoài trồng lúa, xã cũng tập trung hỗ trợ cho nông dân trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia trại nhằm góp phần tăng hiệu quả kinh tế nông hộ. Thu nhập bình quân đầu người ở thời điểm hiện tại đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, huyện Nghĩa Hành còn quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội cơ bản, đặc biệt là giao thông đồng bộ giữa huyện và xã, tạo sự thông suốt, giúp người nông dân thuận tiện hơn trong việc đi lại cũng như vận chuyển nông sản. Bà Nguyễn Thị Mai Trâm, thôn Đề An, xã Hành Phước phấn khởi cho biết, gia đình bà tận dụng đất vườn để trồng cam, quýt. Trước đây, muốn bán được sản phẩm sau thu hoạch, bà Trâm phải tự mình chở đi chào hàng nhiều nơi bởi đường sá đi lại khó khăn, thương lái ép giá. “Nhờ nhà nước đầu tư đường bê tông về tận thôn, xóm, gia đình tôi sung sướng lắm, bởi cứ đến mùa là thương lái kéo nhau về tận vườn thu mua, mình đỡ tốn chi phí, công sức vận chuyển”, bà Trâm tâm sự. Cùng với đó, huyện còn thực hiện cơ chế hỗ trợ giống cây ăn quả, vật tư nông nghiệp để hỗ trợ cho người dân có diện tích liên vùng từ 0,5 ha trở lên tham gia trồng cây ăn quả; phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng mới 500 ha cây ăn quả (chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng) để trở thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có giá trị hàng hóa theo hướng VietGAP. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng, việc khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh, nhiều lao động nông thôn được tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, tỷ lệ đào tạo nghề trên địa bàn tăng hơn 45%. Cơ sở vật chất y tế được quan tâm đầu tư. Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng được chú trọng, 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế. Việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, trong mừng thọ, lễ hội và ứng xử văn hóa được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Toàn huyện có trên 90% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Việc duy trì thực hiện “Vườn xanh, nhà sạch, ngõ đẹp” đã đi vào nề nếp. Hầu hết người dân đều có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn vệ sinh tại gia đình và nơi công cộng. “Đường sá giờ thênh thang hơn rất nhiều, hai bên đường lại có đủ loại hoa trang trí tạo điểm nhấn. Nhìn vào đó, ai nấy đều cảm thấy tự hào lắm, tự nguyện bỏ công chăm sóc, gìn giữ nó mãi mãi. Nông thôn mới đã giúp quê hương tôi đẹp biết dường nào”- ông Nguyễn Văn Chánh, xã Hành Đức hào hứng. Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình thông tin thêm, với mỗi một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, huyện không tổ chức làm đại trà mà chọn mỗi xã làm điểm ứng với một tiêu chí nhất định để tạo không khí thi đua giữa các xã với nhau. Trong quá trình thực hiện, các xã kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết học tập kinh nghiệm của nhau để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xã làm tốt được biểu dương khen thưởng, cấp kinh phí cho việc thực hiện các tiêu chí khác, xã làm chưa tốt được tập thể cùng nhau góp ý, đưa ra biện pháp, cách làm hiệu quả hơn. Chính nhờ sự sáng tạo trong cách làm như thế, huyện Nghĩa Hành đã thành công và gặt hái “quả ngọt” trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; trở thành điểm sáng để các huyện khác trong tỉnh học hỏi và làm theo.
Vĩnh Trọng

Có thể bạn quan tâm