Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận

Với hơn 80% dân số làm nông nghiệp, nông dân huyện Ninh Sơn ý thức được sự cần thiết phải áp dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Tham gia lớp học kỹ thuật trồng bắp được hai tháng, anh Châm Sen, người dân tộc Raglai, ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn đã tiếp thu được nhiều kiến thức về trồng trọt, vừa áp dụng vào sản xuất của gia đình vừa hướng dẫn cho bà con lối xóm. 

Anh Sen trồng 6 sào bắp giống NK- 7328, áp dụng quy trình kỹ thuật gieo trồng theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, đào giếng trữ nước chống hạn cho bắp. Vì vậy, mặc dù ít mưa, 6 sào bắp của gia đình anh vẫn phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Anh Châm Sen nói: “Lớp tập huấn rất có ích cho bản thân tui và cho cộng đồng. Thầy Hòa chỉ dẫn về cách trồng, cây cách cây bao nhiêu, kỹ thuật bón phân. Kỹ thuật đem ra làm tại rẫy mình luôn, thấy cây bắp phát triển rất là tốt làm mình rất phấn khởi”.

                             dtcham.jpg  

                          Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh:baomoi.com

Hơn một năm nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ninh Sơn đã mở được 30 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 1.000 lượt học viên, về kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo, trồng nấm, nuôi gà ta thả vườn, trồng mít, lúa, bắp… Các lớp học đã giúp người dân mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, trong tình hình khô hạn, bà con đã chuyển đổi từ lúa sang trồng các loại cây phù hợp hơn như khoai mì, bắp cao sản.

Ông Trần Thế Quang, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ninh Sơn, cho biết: “Sau khi học, bà con đã vận dụng kiến thức. Bà con chăn nuôi bò vỗ béo bán ra thị trường thu nhập cao hơn so với trước đây chưa học nghề . Kế hoạch là tháng 9 này chúng tôi khai giảng 4 lớp nữa, tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số, để bà con nắm bắt kỹ thuật, xóa đói giảm nghèo”.

 

Điều kiện canh tác trên địa bàn huyện Ninh Sơn khó khăn do thiếu nước. Những diện tích đất xấu, ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con chuyển sang trồng cỏ để nuôi bò. Địa phương còn đào tạo cho bà con các ngành nghề thủ công truyền thống và các ngành nghề phi nông nghiệp để bà con có thêm thu nhập.

Ông Trần Văn Hòa, cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ninh Sơn, cho biết: “Lớp học nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, ban đầu giảng người ta cũng chưa cảm nhận được học nghề như thế nào. Khi học được 2 tuần rồi thì bà con thấy rất thiết thực. Chương trình giảng ngắn gọn và hiệu quả, học bằng thực tế. Khi đó bà con biết được kỹ thuật bón phân có nhiều cái rất hay, phòng trừ sâu bệnh có nhiều loại rất hay, nên từ đó bà con rất siêng năng, tới lớp rất đúng giờ”.

 

Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề trong những vùng nông thôn mới. Những mô hình làm ăn có hiệu quả như: trồng nấm, trồng bắp, làm hàng thủ công mây tre… đang được hướng dẫn cho nông dân. Tỉnh cũng xác định công tác đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, thoát nghèo và phát triển bền vững trên quê hương mình.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm