Đánh giá toàn diện về kinh tế - xã hội và đầu tư khu vực Miền Trung và Tây Nguyên

Hội nghị trực tuyến.Ảnh : Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Hội nghị trực tuyến.Ảnh : Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại “Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức trực tuyến sáng 15/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương. Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau.

Đánh giá toàn diện về kinh tế - xã hội và đầu tư khu vực Miền Trung và Tây Nguyên ảnh 1Hội nghị trực tuyến.Ảnh : Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

“Nhận thức được vấn đề đã nêu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị vùng ngày hôm nay nhằm trao đổi, thảo luận, đánh giá các vấn đề trọng tâm về kinh tế - xã hội và đầu tư của 19 địa phương khu vực Miền Trung và Tây Nguyên trong 8 tháng năm 2021”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu một số vấn đề mang tính gợi mở để các địa phương tập trung nghiên cứu, tham luận như: đề nghị các địa phương đánh giá toàn diện, phân tích các mặt được, chưa được và làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư 8 tháng qua và ước thực hiện cả năm 2021; trong đó, đánh giá rõ việc dự kiến kết quả thực hiện chỉ tiêu GRDP của các địa phương trong năm 2021.

Các địa phương kiến nghị các giải pháp đúng, chia sẻ cách làm hay để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và triển khai kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, đặc biệt là việc giải ngân trong 9 tháng và những tháng cuối năm 2021 trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về công tác giải ngân vừa qua; đồng thời, tập trung vào việc khả năng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng phải đạt tối thiểu 60% kế hoạch đã được giao từ đầu năm.

Cùng với đó, các địa phương dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022; trong đó, cần tập trung về công tác dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới”, nêu bật những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giải đáp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

Bên cạnh đó, các địa phương cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực tại địa phương như về quy hoạch, đầu tư công, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khắc phục các tác động của dịch bệnh COVID-19, các vấn đề về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, về lao động, đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội, phục hồi sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Đặc biệt là tiến độ giải ngân các nguồn vốn; trong đó có đầu tư công và đầu tư tư còn rất chậm.

Mặt khác, các địa phương cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát; trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng.

Đối với quy hoạch, Chính phủ đã có hội nghị chuyên đề riêng về nội dung này. Tuy nhiên, trong khuôn khổ cuộc họp hôm nay, đề nghị các địa phương nêu thêm các khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiến nghị đề xuất đối với việc triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch có liên quan để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan theo quy định của Luật Quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù trong điều kiện còn rất khó khăn, đặc biệt diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã đạt được những kết quả khả quan: tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của 2 vùng đều cao hơn mức bình quân chung cả nước. Đây là nỗ lực rất lớn của các địa phương để đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.

Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như: Thanh Hóa (8,66%), Nghệ An (7,58%), Quảng Nam (11,72%), Ninh Thuận (14,57%), Bình Thuận (7,53%), Gia Lai tăng (9,7%), tỉnh Đắk Lắk tăng (9,11%), Kon Tum (6,79%); xuất khẩu 2 vùng đạt 12,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2020.

8 tháng năm 2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của 2 vùng là 162 nghìn tỷ đồng, đạt 87% dự toán thu cả năm của 2 vùng; 8 tháng đã thu hút được 66 dự án với tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các địa phương trong 2 vùng đã kiểm soát tốt dịch bệnh góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Tại hội nghị, các đơn vị của bộ sẽ giải đáp những nội dung vướng mắc, khó khăn được các địa phương đề cập theo các nhóm vấn đề lớn để cùng với các địa phương xây dựng phương án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, góp phần tiến tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Thúy Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm