Dáng xuân trên đảo tiền tiêu

Dáng xuân trên đảo tiền tiêu
Nuôi cá có giá trị kinh tế cao ở Phú Quý. Ảnh: Đ.H
Nuôi cá có giá trị kinh tế cao ở Phú Quý. Ảnh: Đ.H
Theo các tài liệu lịch sử, Phú Quý còn gọi là Cù Lao Thu, hay Cù Lao Khoai Xứ, nằm giữa vùng biển có nhiều hải sản quý hiếm. Từ thời vua Thiệu Trị thứ tư (1844), hòn đảo này được đổi tên từ “Tổng Hạ” thành “Tổng Phú Quý”, thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Trước đó, trên đảo Phú Quý đã có nhiều cư dân cổ sinh sống, rồi cư dân các tỉnh miền Trung Việt Nam do không chịu nổi cuộc sống cơ cực dưới sự cai trị hà khắc của quan lại địa phương; cá biệt, một số ít người Hoa thất bại trong phong trào “phản Thanh - phục Minh”, lánh nạn xuống phía Nam, đã dừng lại ở hòn đảo xanh này, chọn Phú Quý làm quê hương…

Cuộc sống ở đảo dù giàu tôm cá, hải sản ngon, nhưng một thời gian dài vẫn đầy khó khăn vì không trồng được cây lương thực, đi lại cách trở, thời tiết thất thường. Song, khó khăn đã tôi giũa, hun đúc nên những phẩm chất tốt đẹp của người dân nơi đây: sẻ chia, tin tưởng, cộng đồng trách nhiệm. Ở Phú Quý, ngày xưa trai gái yêu nhau, nguyện làm vợ, làm chồng không cần tổ chức lễ cưới, nếu gia đình hai bên gật đầu là nên vợ, thành chồng. Người đi biển vay mượn nhau không cần khế ước, lời hứa (miệng) được lưu giữ không hề sai sót. Ngày đi vắng, đêm nằm ngủ nhà không cần đóng cửa, của cải không hề bị mất cắp; cửa chỉ để ngăn gió bão khi thời tiết bất thường.
 
Thu hoạch cá lồng bè ở Phú Quý. Ảnh: Đ.H
Thu hoạch cá lồng bè ở Phú Quý. Ảnh: Đ.H
Những người lớn tuổi ở Phú Quý nhớ về ngày xưa với những kỷ niệm của một thời khó khăn. Không điện, không truyền hình; mùa gió chướng bị cô lập, khoảng cách với đất liền lại xa hơn khi tàu thuyền nhỏ, không chống chọi được gió cấp 4, cấp 5 (nói chi đến cấp 6, cấp 7, cấp 8). Người ở đất liền thương bà con ngoài đảo, muốn gửi ít gạo, rau, thịt ra cũng đành chịu. Cách trở là vậy nên người dân Phú Quý có truyền thống chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, tự lực cánh sinh và chịu đựng gian khó. Theo chỉ đạo của chính quyền, nước, gạo, thức ăn cần trữ ít nhất là 20 ngày cô lập với đất liền, để phòng khi thời tiết xấu, không có ghe thuyền nào hoạt động được. Tôi được nghe kể câu chuyện sinh - tử của đoàn cán bộ tỉnh được phân công vận chuyển gạch và tấm lợp phi-brô-xi-măng ra cho bà con ngoài đảo. Giữa đường tàu chết máy, ngả nghiêng theo cơn sóng cấp 5, nước bắt đầu tràn vào tàu. Mọi người chấp nhận chìm cùng tàu bởi thời điểm đó, thông tin liên lạc, cứu hộ cứu nạn không như bây giờ. Đối diện với khó khăn, nguy hiểm thường xuyên nên mọi người cảm thấy nhẹ nhàng trước sự sống và cái chết. May thay, thợ máy khắc phục được sự cố; đoàn công tác phải vứt bỏ một phần gạch đã thấm nước cho nhẹ tàu, rồi chạy trở lại đất liền. Ấy vậy mà vẫn sợ bị kỷ luật. Đến khi gặp một đồng chí lãnh đạo tỉnh vừa ôm từng người, vừa nói: “Tụi mày sống được là tao mừng quá rồi”, mới nhẹ nhõm người…

Phú Quý bây giờ có trên 28 ngàn dân, chia làm 3 xã: Ngũ Phụng, Long Hải, Tam Thanh. Các khu dân cư được kết nối bởi hệ thống giao thông thuận lợi và đẹp. Từ những năm đầu thập kỷ 80, Phú Quý bắt đầu có điện, lúc đó chỉ có 4 tiếng một ngày, rồi lên 8 tiếng, 16 tiếng và 2 năm trước, điện ở Phú Quý đã có 24/24. Điện không chỉ đủ để thắp sáng, sinh hoạt mà còn thoải mái phục vụ sản xuất, hoạt động giải trí. Đêm về, Phú Quý rực sáng ánh điện, những quán cà phê lung linh ánh đèn xanh đỏ, xập xình tiếng nhạc. Cây xanh trên đảo ngày càng được ươm trồng, chăm bón kỹ lưỡng hơn, đi đâu cũng rợp bóng bàng vuông, bồ đề, phi lao, dừa và hoa sứ đại. Hệ thống đê, kè bảo vệ đảo được đầu tư kiên cố. Từ đỉnh ngọn núi Cao Cát nhìn xuống, cây xanh chen màu ngói đỏ và những ngọn sóng trắng xóa ôm ấp vỗ về bờ cát, vẽ nên một bức tranh sống động. Những cụ lớn tuổi tâm sự, có mơ cũng không nghĩ Phú Quý đã đổi thay như thế này…

Phú Quý được Chính phủ quy hoạch là “Điểm du lịch quốc gia” bởi có nhiều thắng cảnh đẹp, môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong lành. Tôi từng tắm, lặn ở đây và tận mắt ngắm nhìn những cành san hô tím hồng nhiều nhánh tuyệt đẹp. Xung quanh làn nước trong xanh, cùng với san hô, là những đàn cá nhiều màu sắc bơi lội tung tăng, đùa giỡn, trông thật hoang sơ. Từ mé biển, mất khoảng 30 phút để leo lên được đỉnh ngọn núi Cao Cát. Do những yếu tố địa chất kiến tạo và dưới tác động của gió, tạo ra những “rãnh đá” như có bàn tay con người đẽo gọt, rất kỳ thú. Cạnh đó là tượng Phật Quan âm, nhìn ra biển Đông như theo dõi, chở che cho ngư dân trên biển. Không xa, là cột cờ Tổ quốc - công trình do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam xây dựng - vững chãi, lá cờ tung bay phần phật mà mỗi khi ra khơi xa trở về, ngư dân lấy đó làm điểm mốc để cập bến an toàn. Từ Phú Quý đi 35 hải lý về hướng Nam là đến Hòn Hải - như một cọc đá lớn cắm sâu xuống biển, là mốc đánh dấu đường cơ sở khẳng định vùng thủy nội địa Việt Nam. Hòn Hải còn là “tổ chim” khổng lồ bởi có rất nhiều chim nhạn, mòng biển, bồ nông trú ngụ và đẻ trứng, có những mùa, trứng chim phủ kín khắp cả đảo… Cảnh đẹp tự nhiên hoang sơ và môi trường biển trong lành khiến Phú Quý ngày càng có nhiều hơn du khách đến tham quan, nghỉ lại. Hiện nay, từ Phan Thiết đi Phú Quý và ngược lại có 5 tàu biển, trong đó có tàu Hưng Phát 26, hoạt động được trong điều kiện sóng gió cấp 7, cấp 8, tốc độ cao, chỉ chưa đầy 4 tiếng là có thể cập bến, nên đi lại giữa Phú Quý với đất liền thuận lợi hơn. Năm 2016, Phú Quý đón trên 7 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Nằm giữa ngư trường giàu hải sản quý, trên 90% hộ dân ở Phú Quý chọn nghề biển làm kế sinh nhai, xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Ngoài đi biển, có gần 100 hộ làm lồng bè nuôi cá mú, cá bớp, tôm hùm… trên vùng biển cạn. Tàu thuyền Phú Quý có đến 1.338 chiếc với tổng công suất 196.492 CV, sau những ngày đi biển về, neo đậu kín khắp bến cảng. Sản lượng khai thác khoảng 25 ngàn tấn, chiếm 12,6% sản lượng của toàn tỉnh nhưng giá trị gấp 3 bởi chất lượng hải sản cao hơn. Gắn bó với nhau giữa biển khơi, nguy hiểm luôn rình rập, người dân Phú Quý thương yêu nhau, luôn gọi nhau là bạn. Nghề đi biển còn được gọi là “đi bạn”. Niềm tin, lòng tin vào “bạn” ở Phú Quý hiếm nơi nào có được. Khi “bạn” cần tiền, những “bạn” còn lại sẵn sàng cho mượn, không cần viết giấy tờ; chỉ cần “hợp đồng miệng”. Sau những ngày đi biển về, sản phẩm được chia nhau, theo đóng góp. Bao đời bám biển, các thế hệ ngư dân Phú Quý cũng đã góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; dù có những khó khăn, nguy hiểm, song vẫn bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa tìm kiếm hải sản quý như cá mú đỏ, hải sâm, đồi mồi, cua huỳnh đế... Mấy trăm năm trước, nhiều thế hệ người dân Phú Quý và Bình Thuận còn tham gia vào các đội Hoàng Sa, Bắc Hải từng được các vua Triều Nguyễn tặng các sắc phong như cụ Lê Non, Lê Văn Chăm được vua Tự Đức quan Triều Phủ Khánh Hòa, Bình Thuận ban sắc phong, giao nhiệm vụ gìn giữ vùng biển từ Khánh Hòa - Bình Thuận. Trên đảo, người dân lập nên những đền thờ để ghi nhớ và tri ân những người có công bảo vệ vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. Ngày nay, Phú Quý tiếp tục được khẳng định là hậu cứ của Trường Sa, luôn chủ động, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm nay, đón xuân về, người dân Phú Quý có thêm niềm vui mới, khi trở thành huyện đảo thứ hai trong toàn quốc, huyện đầu tiên của tỉnh trở thành huyện nông thôn mới. Ở đảo xa, gió có phần trở chướng, hơi mặn có nhiều hơn song mai vàng trên đảo vẫn thắm, cây vẫn tươi xanh, đôi tay kéo lưới của ngư dân vẫn rắn rỏi, nụ cười của những đứa trẻ trong ngày xuân tươi tắn hơn… Bên bến cảng ở hai đầu, những con tàu chở khách, chở hàng hóa hối hả cập bến, mang theo không khí rộn ràng và phấn khởi từ đất liền ra đảo và từ đảo vào đất liền…
Theo baobinhthuan.com.vn

Có thể bạn quan tâm