Thực tiễn xây dựng Đảng ở vùng biên giới Tây Bắc (Bài 2)

Thực tiễn xây dựng Đảng ở vùng biên giới Tây Bắc (Bài 2)
Bài 2 - Nữ Bí thư tiêu biểu người dân tộc Mảng

Tại vùng biên giới Tây Bắc của Việt Nam có một dân tộc thiểu số được Văn bản số 1208 năm 2015 của Ủy ban Dân tộc đưa vào danh sách 16 dân tộc thiểu số thuộc nhóm rất ít người. Đó là dân tộc Mảng (còn có tên gọi là Mảng Ư và Xá lá vàng). Với gần 5.700 người, dân tộc Mảng sống tập trung ở các huyện Nậm Nhùn (hai xã Hua Bum và Nậm Ban), Mường Tè của tỉnh Lai Châu và huyện Mường Lay của tỉnh Điện Biên.

Từ chỗ “trắng” đảng viên, đến nay các bản của người Mảng ở Lai Châu đã có chi bộ riêng, đã xuất hiện một nữ Bí thư Chi bộ năng nổ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tuyên dương là phụ nữ làm kinh tế giỏi của toàn quốc. Đó là chị Chìn Me Long, người phụ nữ dân tộc Mảng ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn.

Từ “Xá lá vàng” đến ổn canh, ổn cư

Ngay tên gọi “Xá lá vàng” (lá rừng lợp lều vàng úa là ra đi) cũng nói lên tập tục du canh du cư từ xa xưa của đồng bào Mảng, một dân tộc thiểu số thuộc loại “rất ít người”. Mấy chục năm trước người Mảng vẫn giữ tập tục du canh, nương rẫy chỉ làm được một vụ rồi bỏ.

Tại Trường Dân tộc nội trú Phổ thông trung học Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) chúng tôi nhận thấy các học sinh người Mảng, cả nam lẫn nữ, đều bé nhỏ hơn các bạn cùng lớp thuộc các dân tộc khác. Hầu hết các em rụt rè khi tiếp xúc với người lạ.

Anh Trần Quốc Khanh, Phó Bí thư Huyện ủy Nậm Nhùn, cho biết: “Bà con dân tộc Mảng tại địa bàn, hủ tục nặng nề, tệ nạn uống rượu, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mê tín dị đoan chưa được bài trừ triệt để, phụ nữ sinh nhiều con, mức sống thấp”.

Theo nhận xét của các cán bộ chuyên trách về công tác dân tộc ở Huyện ủy Nậm Nhùn: “Cứ nhìn hai mảnh ruộng cạnh nhau là biết cái nào của người Mảng, cái nào của người Mông”.

Đồng bào Mảng trước đây sinh sống ở vùng núi cao, biệt lập, trồng trọt khó khăn, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên họ có quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Nương rẫy không đem lại đủ lương thực, họ hái rau, quả, săn con thú trong rừng, bắt con cá, con ếch từ khe suối. Sau này, họ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù của Nhà nước. Bởi vậy, người Mảng sống hồn nhiên, vô tư, không nghĩ đến việc tích cực sản xuất. Nhu cầu của họ cũng rất đơn giản.

Người Mảng tin thầy mo hơn y, bác sỹ nên tỷ lệ tử vong trong trẻ sơ sinh cao, tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 50 tuổi. Trẻ em thích đi rừng hơn đi học nên tỷ lệ mù chữ trong cộng đồng cao. Hơn 10 năm trước, tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc Mảng chiếm tới 80%, tỷ lệ kết hôn cận huyết chiếm khoảng 20%.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, từ năm 2010 trở về trước, 100% người Mảng là hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ. Hiện tại hơn 4.200 người Mảng Lai Châu cư trú tại 9 xã, 20 bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn.

Trong những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a), Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 1672 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc Mảng chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các bản người Mảng được đầu tư xây dựng như: điện được kéo đến các bản, đường giao thông được bê tông hóa, trường học từng bước được kiên cố, có nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Theo ông Trần Hữu Chí, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, để giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc Mảng, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì cần phải phát huy được vai trò, tiếng nói của người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng bản và đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mảng.

Bí thư Chi bộ “nói thì phải làm”

Nữ Bí thư Chi bộ bản Nậm Ô (xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn) - chị Chìn Me Long, hiểu một cách giản dị về vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên theo lời dạy của Bác Hồ “Nói thì phải làm”.

Chị Chìn Me Long từng là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nậm Ban, hoạt động rất tích cực, hiện nay chị là Bí thư Chi bộ bản Nậm Ô. Giải thích với phóng viên TTXVN về lý do thay đổi vị trí công tác, chị chia sẻ: “Mình lớn tuổi rồi, không bằng các em, các cháu được học hành bài bản”. Trên thực tế, Chi bộ bản Nậm Ô cần một Bí thư “nói được, làm được”, nêu gương cho đảng viên, bà con người Mảng vượt các hủ tục, chống cái đói, cái nghèo.

Nữ Bí thư Chi bộ Chìn Me Long giỏi làm kinh tế. Ảnh: Trần Hoàng – TTXVN
Nữ Bí thư Chi bộ Chìn Me Long giỏi làm kinh tế. Ảnh: Trần Hoàng – TTXVN

Đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mảng, không thích nghe những lý lẽ trừu tượng. Cán bộ dù nói đúng, nói hay nhưng nếu chỉ là lời nói suông thì “vào tai phải lại ra tai trái”. Dân bản chỉ tin vào những gì con mắt trông thấy, cái tay sờ được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Theo tinh thần đó, Bí thư Chìn Me Long đã vận động gia đình, người thân của mình đi đầu trong việc xóa bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh nhiều con, tệ nạn rượu chè… Chị nói: “Đảng viên đi tuyên truyền, bà con nghe, biết là hay đó, tốt đó, nhưng họ còn muốn xem mình có làm không. Mình nói thì mình phải làm”.

Hiện tại gia đình chị Long được coi là hình mẫu hạnh phúc, thành đạt ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban và cả đối với cộng đồng người Mảng ở huyện Nậm Nhùn. Con trai  lớn Tào A Thắng là Chủ tịch xã Nậm Ban, con trai út Tào A Thắm là công an viên, các cháu nội chăm ngoan, học giỏi, kinh tế đủ đầy...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Bí thư Chìn Me Long suy nghĩ: “Đảng viên tốt, chi bộ tốt thì phải chỉ ra cách thoát nghèo cho bà con”.

Tại các buổi sinh hoạt đảng, Chi bộ bản Nậm Ô bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn của Huyện ủy, Đảng ủy xã, nhưng đều vận dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương. Người nữ Bí thư khéo léo lồng ghép nội dung phát triển sản xuất như cách thức chăn nuôi trâu, bò, cấy lúa nước, trồng sa nhân tím, thảo quả dưới tán rừng, tích cực bảo vệ rừng để nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ… Theo cách nghĩ của nữ Bí thư, Chi bộ có 11 đảng viên thì đó phải là 11 tấm gương làm kinh tế giỏi để bà con noi theo.

Chị Chìn Me Long chia sẻ với phóng viên TTXVN về kinh nghiệm thoát nghèo. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Chị Chìn Me Long chia sẻ với phóng viên TTXVN về kinh nghiệm thoát nghèo. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Bản Nậm Ô khó phát triển kinh tế hơn các bản khác trong xã. Diện tích tự nhiên của bản rộng nhưng chủ yếu là các cánh rừng được bảo vệ. Việc đốt nương làm rẫy đã bị cấm vì gây hại cho môi trường, người dân lại không có nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi như người Mông sống bên cạnh… Người Mảng từng bị mặc định là “không thể làm kinh tế”.

Chị Chìn Me Long trăn trở: “Người Mông, người Cống, người Hà Nhì biết làm ăn, thoát nghèo thì sao người Mảng mình lại không làm được?” Sau nhiều đêm mất ngủ, chị mày mò áp dụng mô hình chăn nuôi đại gia súc chăn thả. Chị cho rằng điều này phù hợp với điều kiện tự nhiên của bản và có thể mang lại hiệu quả cao. Ban đầu, do ít vốn, ít kinh nghiệm nên gia đình chị chỉ nuôi vài con bê, vài con nghé. Bê lớn thành bò, nghé lớn thành trâu, chị bán một ít để mua thêm bê, nghé, giữ lại nuôi một ít bò, trâu để gây đàn. Cứ thế, cứ thế… đàn trau, bò của gia đình chị ngày càng phát triển.

Hiện tại, khi các con đã ở riêng, vợ chồng chị Long nuôi 30 con bò, 11 con trâu ngoài bãi, chưa kể đàn lợn, gà, vịt, ngỗng nuôi trong vườn. Anh chị còn có ao cá ngay cạnh con suối Nậm Ban. Với giá 1 con trâu là 40 triệu đồng và 1 con bò 15 triệu đồng, có thể coi gia đình chị Long là “triệu phú núi rừng”. Chị kể: “Trâu, bò thả ở bãi xa nửa ngày đường đi bộ, ngăn cách với nương rẫy của người dân. Ban ngày trâu, bò theo đàn đi ăn cỏ ở bìa rừng, tối thì tự tụ lại với nhau ngủ qua đêm. Hầu như không có chuyện mất trộm hay trâu, bò lạc đàn, quan trọng là biết cách dạy và giữ con đầu đàn tinh khôn, có kinh nghiệm. Mỗi tuần một lần vợ chồng thay phiên nhau ra bãi cho trâu, bò ăn muối để chúng nhận ra chủ. Khi trâu, bò cái đẻ, mình đưa cả mẹ lẫn con về chuồng gần nhà chăm sóc một thời gian. Tết đến, hay nhà có việc thì chúng tôi bán một vài con. Mình có thể tăng quy mô đàn trâu, bò lên gấp rưỡi, nhưng vợ chồng đều có tuổi rồi, sức yếu, các con thì bận công tác xã hội nên mình dừng ở mức thế thôi”.

Bản Nậm Ô của người Mảng, nơi nhiều hộ thoát nghèo theo gương của nữ Bí thư Chi bộ. Ảnh: Lê phú – TTXVN
Bản Nậm Ô của người Mảng, nơi nhiều hộ thoát nghèo theo gương của nữ Bí thư Chi bộ. Ảnh: Lê phú – TTXVN
Kinh nghiệm làm giàu của Bí thư Chìn Me Long và một số đảng viên trong Chi bộ bản Nậm Ô đã được bà con trong bản học hỏi. Nhiều người đã cải tạo vườn tạp, vườn hoang thành vườn rau, vườn cây ăn quả, đào ao nuôi cá, chăn nuôi lợn, gà, dê, trâu, bò… Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước kết hợp với nỗ lực tự thân mà 67 hộ người Mảng Nậm Ô đã dần dần xóa đói, giảm nghèo. Hiện tại, ở bản Nậm Ô 100% các ngôi nhà đạt 2 cứng (khung, mái cứng) và 70% đạt 3 cứng (khung, mái, nền cứng). Thu nhập của bà con trong năm 2019 đạt mức gần 15 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo từ 100% giảm xuống dưới 65%.

Năm 2016, chị Chìn Me Long được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tuyên dương là gương mặt phụ nữ làm kinh tế giỏi của toàn quốc. Đối với cộng đồng người Mảng ở xã Nậm Ban và huyện Nậm Nhùn, người nữ Bí thư Chi bộ ở Nậm Ô là một tấm gương sống. Mà Bác Hồ đã chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". (Còn tiếp)
Trần Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm