Tạo động lực để Phú Thọ vươn lên hàng đầu ở Trung du và miền núi Bắc Bộ

Tạo động lực để Phú Thọ vươn lên hàng đầu ở Trung du và miền núi Bắc Bộ
Tháng 3/2020 là dấu mốc Đảng bộ tỉnh Phú Thọ tròn 80 năm xây dựng và phát triển. Vượt qua nhiều khó khăn, Đảng bộ Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng. Những thành tựu đó là động lực để Đảng bộ tỉnh viết tiếp trang sử vẻ vang, xây dựng Phú Thọ thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp giúp nhiều hộ trồng chè ở Thanh Sơn giảm công sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: baophutho.vn
Áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp giúp nhiều hộ trồng chè ở Thanh Sơn giảm công sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: baophutho.vn

Phát triển mạnh về kinh tế

Nằm ở trung tâm của nền văn minh sông Hồng, Phú Thọ được coi là vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, của thế dựng nước, giữ nước, nơi có nhiều di tích lịch sử. 80 năm qua, Phú Thọ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, kiên cường chống giặc ngoại xâm, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong thời kỳ đổi mới.

Trong lịch sử Việt Nam, dù ở thời kỳ nào Phú Thọ đều có những đóng góp to lớn, làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc. Từ thời đại Hùng Vương, các vua Hùng đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc. Đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã lập nên nhiều chiến công, cùng cả nước giành độc lập dân tộc.

Sau khi đất nước thống nhất, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, vận dụng sáng tạo những quan điểm đổi mới của Đảng vào điều kiện thực tiễn của địa phương, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Nhất là từ khi tái lập (ngày 1/1/1997), nhờ tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, Đảng bộ tỉnh nhanh chóng vượt qua khó khăn, thách thức, đưa kinh tế phát triển với tốc độ khá và ổn định, xây dựng đất Tổ mang đậm bản sắc dân tộc.

Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, đến nay không chỉ thoát khỏi tỉnh nghèo, Phú Thọ còn vươn lên đứng hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong đó, tỉnh phát triển nhất ở giai đoạn 2004 – 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,77%; quy mô GRDP tăng 7 lần, từ 8.183 tỉ đồng năm 2004 lên đến 57.351 tỉ đồng năm 2018; GRDP bình quân đầu người tăng 6,5 lần, từ 6,3 triệu đồng năm 2004 lên 40,8 triệu đồng năm 2018.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh tiếp tục tăng cao (8,83%); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng, tăng 10 lần so với năm 1997; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7.105 tỉ đồng, tăng gấp 35 lần so với năm 1997.

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp đã vươn lên đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc và đứng thứ 3 của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Từ tỉnh công nghiệp phát triển chậm, lạc hậu, đến nay Phú Thọ đã có 7 khu công nghiệp được vào danh mục quy hoạch các khu công nghiệp Việt Nam, ưu tiên phát triển đến năm 2020, trong đó đã có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, nhờ đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, đến nay Phú Thọ đã thu hút được 175 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó nhiều nhà đầu tư đến từ các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Trong đó, 134 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh ổn định. Năm 2019, doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ước đạt 40.000 tỉ đồng, tăng 33% so với năm 2018, nộp ngân sách Nhà nước đạt 1.600 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 42.000 người.

Trong cơ cấu kinh tế tỉnh, ngành Nông nghiệp cũng phát triển khá toàn diện, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, trong những năm gần đây, ngành đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo ngành hàng, theo chuỗi sản xuất, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp làm đầu ra cho chuỗi liên kết, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh.

Tính riêng năm 2019, giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp đạt 12.000 tỉ đồng, tăng 3,4% so với năm trước; giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 103,6 triệu đồng (tăng 5,7 triệu đồng so với năm 2018); sản lượng thịt hơi ước đạt 173,8 nghìn tấn, tăng 1,6%; diện tích lúa chất lượng cao đạt 27,6 nghìn ha, chiếm 45% (tăng 4 nghìn ha so với năm 2018).

Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh hoàn thành mục tiêu trước 3 năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 105 xã đạt chuẩn và 246 khu dân cư nông thôn mới. Huyện Lâm Thao là huyện đầu tiên của khu vực miền núi phía Bắc đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015; dự kiến cuối năm 2020 thị xã Phú Thọ cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thủy có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Với 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”, Phú Thọ được coi là địa điểm “vàng” để thu hút đầu tư vào du lịch. Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, những năm gần đây, Phú Thọ đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực lớn đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, để phát huy giá trị các di sản. Nhờ đó, hạ tầng phục vụ du lịch phát triển; lượng du khách chọn Phú Thọ là “điểm dừng chân” tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày không ngừng tăng lên.

Năm 2019, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành của tỉnh đạt 2.500 tỉ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong đó lượng du khách lưu trú đạt 1.072 nghìn lượt. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đó khoảng  680.000 lượt khách du lịch lưu trú, trong đó khách du lịch quốc tế lưu trú đạt 8.000 lượt; tổng doanh thu du lịch, dịch vụ đạt 3.800 tỉ đồng; thu hút và giải quyết việc làm cho 14.000 lao động, trong đó có 4.000 lao động trực tiếp.

Vững về xây dựng Đảng

Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh Phú Thọ quan tâm. Từ lúc chỉ có 4 chi bộ, với chưa đầy 20 đảng viên ngày đầu thành lập, sau 80 năm xây dựng và phát triển, đến nay Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã có 18 đảng bộ trực thuộc, 783 tổ chức cơ sở đảng, 5.482 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với tổng số trên 105.000 đảng viên. Ở tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh từ tỉnh đến cơ sở, khu dân cư... đều có cấp ủy, đảng viên trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.

Ông Bùi Đình Thi, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, để các cơ sở Đảng phát triển vững mạnh, tất cả các nghị quyết của Trung ương đều được tỉnh kịp thời triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện, gắn với điều kiện cụ thể của địa phương. Bên cạnh đó, việc tự phê bình và phê bình, thực hành dân chủ được thực hiện rộng rãi trong Đảng; công tác đăng ký phấn đấu trong sạch, vững mạnh tại các cơ sở Đảng thực hiện có nền nếp. Việc rà soát, phân tích chất lượng, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên được thực hiện chặt chẽ.

Cùng với đó, công tác cán bộ cũng được tỉnh đổi mới cả về nội dung và phương pháp, đạt được một số kết quả cơ bản trong các khâu tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Đội ngũ cán bộ được bổ sung về số lượng, chú trọng về chất lượng; mặt bằng chuẩn hóa được nâng lên; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cơ sở, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo đúng quy định; trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý và theo tiêu chuẩn quy định của cán bộ, công chức.

Đồng thời, Đảng bộ tỉnh cũng luôn tăng cường công tác kiểm tra, chú trọng kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai tích cực, có hiệu quả, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, được Trung ương đánh giá cao.

Cùng với công tác xây dựng Đảng, công tác xây dựng chính quyền được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở quan tâm củng cố. Việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tiếp tục được quan tâm đầu tư, hiện đại hóa nền hành chính. Năm 2018, Phú Thọ được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2017. Phát huy hiệu quả hệ thống một cửa điện tử tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh, đến nay Phú Thọ có 1.384/1.482 thủ tục hành chính được đưa vào Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (chiếm 93,4% thủ tục hành chính cấp tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ngành).

Tỉnh cũng đã thực hiện hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhờ đó đã tinh giảm số lượng phòng, ban, đơn vị trực thuộc các sở, ngành, UBND cấp huyện. Đặc biệt, việc tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã đã được tỉnh thực hiện đúng lộ trình đề ra. Đến tháng 1/2020, tỉnh đã hoàn thành sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 đơn vị cấp huyện. Sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 225 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 52 đơn vị (bằng 18,77%) so với trước khi sắp xếp.

Với những thành tích đạt được trong 80 năm qua, Phú Thọ đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhất (2 lần), Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều tập thể, cá nhân được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác... Đây là nguồn cổ vũ, động viên và là nguồn sức mạnh to lớn để Phú Thọ tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong chặng đường tới.
Lâm Đào An
TTXVN

Có thể bạn quan tâm