Phát triển Đảng trong vùng đồng bào Khmer (Bài 2)

Phát triển Đảng trong vùng đồng bào Khmer (Bài 2)
Bài 2: Tạo môi trường để rèn luyện, trưởng thành Việc quan tâm tạo nguồn, phát hiện quần chúng ưu tú, tâm huyết để giới thiệu cho tổ chức Đảng là rất cần thiết. Song để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, họ cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi, có môi trường để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Kinh nghiệm tại một số Đảng bộ cơ sở vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, nếu được cấp ủy, chính quyền tin tưởng, mạnh dạn giao những việc dù khó khăn, phức tạp nhưng có tác dụng thiết thực giải quyết các vấn đề bức thiết ở địa phương; quan tâm sử dụng nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị, tạo cơ hội để họ phát huy năng lực, những quần chúng ưu tú sẽ nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, tiếp tục rèn luyện để xứng đáng trở thành đảng viên.
Đảng bộ huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chú trọng công tác phát triển đảng viên dân tộc Khmer. Ảnh: baosoctrang.org.vn
Đảng bộ huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chú trọng công tác phát triển đảng viên dân tộc Khmer. Ảnh: baosoctrang.org.vn
Trưởng thành qua từng việc làm thiết thực  Năng nổ, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc, nỗ lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn, sau khi trải qua thời gian thử thách, anh Lý Quý (sinh năm 1994, người dân tộc Khmer) hiện là cán bộ thú y ở xã Viên An, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Dự lễ kết nạp đảng viên mới cho quần chúng Lý Quý tại Chi bộ ấp Bưng Sa, Đảng bộ  xã Viên An, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), vào trước dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lắng nghe đánh giá, đóng góp chân thành của Bí thư Chi bộ ấp Bưng Sa, Bí thư Đảng ủy xã Viên An cùng các đảng viên trong chi bộ, chúng tôi hiểu thêm về phương thức tạo nguồn phát triển đảng viên của tổ chức cơ sở đảng vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Đó là những việc làm cụ thể, những đóng góp dù nhỏ, nhưng đã thể hiện ý chí phấn đấu vươn lên, mong muốn được cống hiến cho Đảng, cho nhân dân của từng cá nhân luôn được ghi nhận một cách xứng đáng, kịp thời. Theo Bí thư Chi bộ ấp Bưng Sa Thạch Hoàng Thê, anh Lý Quý là một trong những trường hợp quần chúng ưu tú được bồi dưỡng và rèn luyện, thử thách từ cơ sở, trưởng thành qua những công việc cụ thể ở địa phương. Khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Sóc Trăng, ảnh hưởng đến ngành Chăn nuôi trên địa bàn xã, là cán bộ thú y, anh Quý đã chủ động, kịp thời tham mưu lãnh đạo xã lên kế hoạch triển khai khẩn cấp công tác phòng chống dịch. Bản thân anh Quý rất tích cực, không ngại giờ giấc đường xa, xuống từng ấp, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp tiêu độc khử trùng. Bằng cả tiếng Khmer và tiếng Việt, anh Quý kiên trì giải thích, hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu, tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, từng bước áp dụng các biện pháp chăn nuôi gia súc an toàn, hạn chế dịch bệnh. Công việc của một thú y xã có thể không quá vất vả ở một số địa bàn có điều kiện thuận lợi hơn song với một xã như Viên An, 90% dân số là đồng bào Khmer, đòi hỏi cán bộ thú y cơ sở phải kiên trì, hiểu tâm lý đồng bào, phải cùng làm và phải làm giỏi hơn người dân, họ mới thực sự tin tưởng. Bí thư Đảng ủy xã Viên An Thạch Văn Mến chia sẻ thêm, với đồng bào Khmer, không phải cứ nói nhiều, nói suông là đồng bào tin. Chính vì vậy, với những phong trào, cuộc vận động ở địa phương như chung sức xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường… hạt nhân của của các hội, đoàn thể, những quần chúng ưu tú và cán bộ, đảng viên phải làm giỏi hơn bà con, nói đúng mong muốn của bà con, có như vậy người dân mới đồng thuận làm theo.  Đi đôi với việc tạo môi trường, điều kiện để quần chúng ưu tú rèn luyện, Đảng bộ nhiều địa phương vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer cũng rất quan tâm việc bố trí, sử dụng nguồn nhân lực là người Khmer, góp phần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu và làm theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả nhất. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lâm Sách khẳng định, việc tăng cường phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng cũng đồng nghĩa với việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh Sóc Trăng hiện nay. Do đó, tỉnh rất quan tâm đến việc tạo môi trường để quần chúng ưu tú là người Khmer phấn đấu, đảng viên phát huy tính tiên phong, thể hiện được năng lực và có nhiều cống hiến cho nhân dân, cho Đảng. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng có trên 45.000 đảng viên, trong đó có 8.453 đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm 18,79%. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 6/49 đồng chí là người dân tộc thiểu số. Cấp ủy cấp huyện và tương đương có 40/463 đồng chí là người dân tộc thiểu số. Còn theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh, từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã đưa hơn 2.000 lượt cán bộ người dân tộc Khmer đi đào tạo, bồi dưỡng ở các loại hình, góp phần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở địa phương, phục vụ hiệu quả công tác bố trí, sử dụng, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên người dân tộc Khmer phát huy năng lực chuyên môn đã được đào tạo vào thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Chỉ tính ở cấp xã, Trà Vinh có 242/1.526 cấp ủy viên là người dân tộc Khmer, chiếm gần 16%. Sàng lọc, nâng chất lượng đảng viên Song song với việc ưu tiên tạo thuận lợi trong việc phát triển đảng viên ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, các cấp ủy đảng ở Trà Vinh, Sóc Trăng còn quan tâm thực hiện việc nâng cao chất lượng đảng viên, nghiêm túc rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng với cách làm thận trọng, đúng nguyên tắc, đúng quy trình. Đảng bộ huyện Trà Cú là một trong những tổ chức Đảng ở Trà Vinh đã làm tốt công tác phát triển đảng viên cả về số lượng và chất lượng, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) Dương Văn Triệu cho biết: Trà Cú là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất tỉnh Trà Vinh, chiếm trên 60% số dân toàn huyện. Đối với công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy đảng ở Trà Cú luôn nhận thức rõ, công tác đảng viên có nhiều khâu, từ bồi dưỡng quần chúng, thử thách, kết nạp vào Đảng, đến việc giáo dục, sàng lọc, kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Trong đó, khâu đầu vào là bồi dưỡng kết nạp quần chúng ưu tú và đầu ra là sàng lọc đảng viên có vai trò rất quan trọng. Có như vậy, tổ chức Đảng ở địa phương mới ngày càng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ ở địa phương và thực sự được đồng bào các dân tộc tin yêu. Vì vậy, đối với công tác Đảng, các cấp ủy luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng đảng viên, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng. Thực hiện Chỉ thị số 28- CT/TW ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng", Huyện ủy Trà Cú đã tăng cường chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc thực hiện tốt công tác tạo nguồn phát triển đảng viên mới; quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, gắn với rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở, chi ủy, chi bộ. Năm 2019, Đảng bộ huyện đã kết nạp mới 241 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 4.848 đảng viên, trong đó 2.181 đảng viên người dân tộc Khmer. Hiện nay tất cả các chi bộ ấp, khóm vùng đông đồng bào Khmer của Trà Cú đều có đảng viên là người Khmer. Đồng thời, Đảng bộ cũng đã rà soát, sàng lọc và quyết định xóa tên, cho ra khỏi đảng đối với 39 trường hợp. (Còn tiếp)
Thanh Trà-Trung Hiếu-Phúc Sơn-Hồng Nhung

Có thể bạn quan tâm