Đảng viên Đinh Kni chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo bền vững

Đảng viên Đinh Kni chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo bền vững

Với sự năng động, nhiệt huyết, cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Đinh Kni (sinh năm 1985, người dân tộc Hre, đảng viên ở thôn Trường An, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), luôn gương mẫu, nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, làm giàu cho quê hương.

Đảng viên Đinh Kni chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo bền vững ảnh 1Anh Đinh Kni mạnh dạn đầu tư khoảng 1 tỉ đồng cải tạo đất đồi trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Ảnh: baovanhoa.com.vn

Sinh ra và lớn lên trong một đình thuần nông, ở vùng núi cao, điều kiện kinh tế khó khăn, anh Kni luôn thấu hiểu sự khó khăn, vất vả. Cũng từ đó, người đảng viên trẻ nung nấu ý chí làm giàu. Học xong Trung học Phổ thông, anh Kni lập gia đình. Khoảng năm 2007, vợ chồng anh lên rừng khai hoang để cải tạo đất trồng rừng với mong muốn phát triển kinh tế.

“Cuộc sống lúc đó khó khăn vô cùng. Hai vợ chồng đều không có việc làm, hằng ngày phải đi làm thuê, làm mướn kiếm từng bữa ăn. Để cải tạo được 15 ha rừng, tôi phải vừa đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống, vừa tranh thủ lên rừng cải tạo đất. Thời điểm đó, vợ chồng tôi cũng may mắn vì cây keo gỗ phát triển tốt lại được giá nên cứ sau 5 năm, cho thu hoạch một lần. Với mỗi ha keo, sau 5 năm chăm sóc, gia đình tôi thu lãi khoảng 50 triệu đồng”, anh Kni chia sẻ.

Để phát triển kinh tế, anh Kni đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng để làm trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả. Theo anh Kni, đất đai ở vùng đồi núi tuy rộng nhưng cằn cỗi, nguồn nước tưới lại khó khăn, nên để làm trang trại anh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2019, vợ chồng anh bắt tay cải tạo đất đồi, đào giếng và “kéo” nước từ hồ chứa cách đó khoảng 2 km về phục vụ sản xuất. Ban đầu, anh chọn nuôi lợn đen giống bản địa, nuôi gà thương phẩm. Khi đã ổn định, anh chọn nuôi thêm trâu, nuôi hươu,… Không chỉ chăn nuôi, anh Kni còn trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau để tận dụng nguồn phân chuồng sẵn có chăm bón.

Nhờ biết khai thác lợi thế, với sự cần cù chịu khó, quyết tâm của người đảng viên, anh có được mô hình kinh tế hiệu quả cao. Anh Kni cho biết, "Tôi chọn vừa chăn nuôi vừa trồng trọt để có thu hoạch liên tục quanh năm. Từ đó, gia đình có thu nhập thường xuyên. Nhờ đó, tôi có điều kiện hoàn thành lớp đại học tại chức, các con chăm ngoan học giỏi".

Không chỉ sản xuất giỏi, anh Kni luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm người đảng viên. Bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, anh đến từng hộ tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế. Hiểu được tâm lý của lớp trẻ, anh tận tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những người trẻ trong thôn cùng vươn lên làm giàu.

Anh Phạm Văn Tiến, xã Ba Thành cho hay, nhờ sự giúp đỡ của anh Kni về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, vợ chồng anh mới biết cách chăn nuôi để thoát nghèo. Trước đó, vợ chồng anh chỉ biết đi làm thuê kiếm ăn qua ngày.

Trước đây, cuộc sống của đồng bào Hre huyện Ba Tơ rất khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào rừng. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, địa phương, nhiều hộ nông dân là đảng viên đã biết cách đầu tư phát triển các mô hình kinh tế cây ăn quả, chăn nuôi vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Anh Phạm Văn Mác, Chủ tịch Hội nông dân xã Ba Thành cho biết, tuổi đời còn trẻ nhưng Kni rất cần cù, chăm chỉ, chủ động tìm tòi, học hỏi kiến thức mới, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại. Mô hình kinh tế của anh Kni là mô hình phát triển kinh tế trang trại đầu tiên của địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà anh Kni còn hỗ trợ cho người dân tại địa phương, nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm