Bình Thuận tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Bình Thuận tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tại tỉnh Bình Thuận đã có sự chuyển biến đáng kể.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước, đại bộ phận cán bộ và nhân dân trong tỉnh ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết và lợi ích của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 142.788/295.442 hộ đăng ký xây dựng mô hình "Gia đình hiếu học", đạt 48% tổng số hộ toàn tỉnh; 77/96 dòng họ đăng ký xây dựng "Dòng họ hiếu học", đạt trên 80%; 562/706 thôn, khu phố đăng ký xây dựng "Cộng đồng học tập", đạt 79%… Bên cạnh đó, việc phát triển mạng lưới hội khuyến học được triển khai từ tỉnh đến cơ sở. UBND tỉnh cũng tăng cường cán bộ chuyên trách công tác khuyến học cho các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 7/10 địa phương có chủ tịch hội khuyến học cấp huyện; 127/127 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có cán bộ chuyên trách hội khuyến học hoạt động. Kết quả phân loại hoạt động năm 2016 tại 127 cơ sở Hội Khuyến học cấp xã cho thấy có 62 cơ sở Hội đạt loại tốt, 48 cơ sở Hội đạt loại khá; 13 cơ sở Hội đạt loại trung bình và 4 cơ sở Hội yếu kém.

Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết: Việc triển khai Chỉ thị 11 – CT/TW đã phát huy truyền thống hiếu học trong nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng xã hội học tập từ cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; trực tiếp góp phần gắn kết giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội; thiết thực hỗ trợ công tác giáo dục, ngăn chặn và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Nếu tỷ lệ học sinh bỏ học ở cả 3 cấp học năm học 2010 - 2011 là 1,81% (4.272 học sinh) thì đến năm học 2015 – 2016 con số này giảm còn 0,74% (1.655 học sinh). Bên cạnh đó, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập không những làm cho các gia đình quan tâm nhiều hơn đến việc học hành của con em, mà còn tác động trực tiếp đến việc xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa; phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, hạn chế, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Bình Thuận đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tích cực xây dựng và tổ chức thực hiện tốt mô hình xã hội học tập theo Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng” gắn với thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Bình Thuận phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được quán triệt, tuyên truyền xây dựng mô hình học tập suốt đời; 70% số hộ gia đình được công nhận "Gia đình hiếu học"; 50% dòng học được công nhận danh hiệu "Dòng họ hiếu học"; 70% Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả…

Ông Huỳnh Thanh Cảnh cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân cùng chăm lo công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đưa nội dung khuyến học, khuyến tài vào các chỉ tiêu thi đua hàng năm trong quản lý nhà nước các cấp; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng và quản lý các nguồn quỹ của các cấp Hội; việc xét công nhận các đơn vị, cơ quan, trường học, xã, thôn duy trì danh hiệu "Đơn vị học tập", "Cộng đồng học tập", "Dòng họ hiếu học"… bảo đảm trung thực khách quan.

Nguyễn Thanh

Có thể bạn quan tâm