Đặng Thị Phúc - Nữ đảng viên người Dao không cam chịu đói nghèo

Đặng Thị Phúc - Nữ đảng viên người Dao không cam chịu đói nghèo
“Trong những cái nghèo, nghèo tri thức là sợ nhất! Trong những cái mất, đáng sợ nhất là mất niềm tin!”… đó là những bài học được rút ra trong cuộc chiến đấu với đói nghèo của người phụ nữ Dao Lào Cai - chị Đặng Thị Phúc, người có uy tín của thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Thấm thía điều đó, mặc dù sinh ra trong thời kỳ đất nước chiến tranh ác liệt, chị Phúc vừa cầm súng vừa nỗ lực học tập. Chị luôn là tấm gương sáng về một nữ cán bộ đảng viên cần kiệm, không cam chịu đói nghèo, tích cực hỗ trợ đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị Đặng Thị Phúc - Người Đảng viên dân tộc Dao không cam chịu đói nghèo. Ảnh: Viết Tôn - TTXVN
Chị Đặng Thị Phúc - Người Đảng viên dân tộc Dao không cam chịu đói nghèo. Ảnh: Viết Tôn - TTXVN

Chị Phúc sinh năm 1951 trong gia đình nông dân nghèo tại xã Nam Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Năm 1969, trong giai đoạn cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt nhất, chị vừa đi học lớp văn hóa dành riêng cho người dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, vừa tham gia lực lượng dân quân tự vệ địa phương. Là Bí thư đoàn trường, ban ngày đi học giữa làn đạn, buổi tối chị Phúc tham gia đào hầm tránh máy bay địch thả bom. Với nhiều thành tích trong tham gia chiến đấu bảo vệ địa phương, chị Phúc được kết nạp Đảng khi mới 19 tuổi. Năm 1991, chị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì.

"Là đảng viên, tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ "niềm tin". Lòng tin của nhân dân là tài sản thiêng liêng nhất, quý báu nhất của Đảng. Lòng tin của nhân dân là quốc bảo để giữ gìn, phát triển quốc gia, dân tộc. Chúng ta chiến thắng bao nhiêu kẻ thù cũng vì nhân dân luôn tin tưởng vào Đảng từ đó đoàn kết một lòng theo Đảng. Giờ đây, trong thời bình, lòng tin của nhân dân càng phải được gìn giữ. Muốn làm được điều đó mỗi đảng viên phải luôn là tấm gương để nhân dân noi theo, cùng nhân dân vượt khó diệt giặc đói, giặc dốt" chị Phúc chia sẻ.

Sau giải phóng, đem nỗi trăn trở ấy, chị Phúc cùng gia đình rời quê quán, xung phong đi lập nghiệp tại thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Chị cùng gia đình khai hoang đất trống, đồi trọc để trồng cây quế, cây mỡ và một số loại cây ăn quả, hoa màu khác. Ngoài ra, chị còn chăn nuôi gia cầm như gà, vịt và gia súc lớn như trâu, bò. Đến nay, gia đình chị Phúc đã có thu nhập ổn định từ hơn 10ha trồng cây quế, mỡ và các loại cây khác. Đàn gia cầm nhà chị có trên 3.000 con và hơn 1ha ao nuôi cá cho thu nhập.

Từ năm 1983 đến năm 2005, chị Phúc đã trải qua các chức vụ công tác tại thôn, HĐND, UBND xã như: Bí thư Chi bộ thôn, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ thôn, Phó Chủ tịch Hội nông dân thôn, Chủ tịch Hội người cao tuổi thôn Làng Ẻn và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Trong thời gian này, kinh tế gia đình đã tạm ổn, đúc rút kinh nghiệm từ quá trình sản xuất kinh tế của bản thân, chị Phúc đã vận động, hướng dẫn các hộ dân trong thôn cùng khai hoang đất trống, đồi trọc để trồng quế, mỡ và các loại cây hoa màu. Đến nay, diện tích quế, mỡ trong thôn ước tính đạt khoảng 80ha. Ngoài ra, chị còn vận động các hộ dân trong thôn áp dụng khoa học kỹ thuật để chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn.

Từ năm 2005 đến nay, chị đã nghỉ các công tác tại thôn nhưng vẫn tích cực tham gia công tác đảng, xã hội tại thôn. Mỗi năm, chị giúp đỡ được 3 hộ phát triển sản xuất thoát nghèo thông qua các phương pháp như: động viên các hộ dân tích cực chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn các hộ dân sử dụng những giống cây (quế, mỡ, ngô,…), vật nuôi (gà, vịt, cá, trâu,…) có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với địa phương, hướng dẫn các hộ dân trong thôn tiếp cập các chính sách vay vốn, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của nhà nước dành cho người dân…

Chị cùng người dân thường xuyên tìm hiểu các giống cây mới có khả năng chống chịu bệnh cao để đưa vào sản xuất; đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu đối với chăn nuôi nói chung trước hết là phải tuân thủ tuyệt đối về công tác thú y, về tiêm phòng dịch, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét, thoáng mát về mùa hè, có quy định về việc ra vào trại chăn nuôi, khử trùng người, phương tiện. Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để đạt được sản lượng cao nhất, chị thường xuyên theo dõi thị trường, tư vấn cho người dân nuôi con gì, trồng cây gì tránh tình trạng sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được... qua đó đã tìm ra những hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tính đến nay, chị đã giúp được khoảng 20 hộ dân trong thôn thoát nghèo, giúp cho trên 40 lao động có thu nhập ổn định khoảng 27 triệu đồng/ người/ năm. Giai đoạn năm 2012 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm mạnh nhờ có mô hình trồng trọt, chăn nuôi trong thôn và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân của Nhà nước. Năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo trong thôn là 32/78 hộ chiếm 41%, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 8/92 hộ chiếm 8,7%. Hiện, thôn có 72/92 hộ dân có nhà ở kiên cố.

Không chỉ giúp đỡ các hộ dân trong thôn phát triển kinh tế, chị còn tích cực vận động các hộ dân trong thôn tham gia xây dựng nông thôn mới, cải tạo diện mạo nông thôn tại địa phương. Từ năm 2016 đến nay, chị Phúc đã vận động người dân trong thôn hiến trên 5.000m2 đất, ủng hộ trên 120 triệu đồng để xây dựng 2,7km đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa của thôn.

Ngoài ra, chị còn vận động các hộ dân trong thôn xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh (năm 2016, tại thôn Làng Ẻn có 16 hộ dân không có nhà vệ sinh, đến nay trong thôn đã không còn tình trạng này). Dự kiến cuối năm 2019, thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng sẽ về đích nông thôn mới.

Với những đóng góp đó, chị Đặng Thị Phúc đã được các cấp khen thưởng, ghi nhận. Năm 2017, chị được nhận bằng khen của Ủy ban Dân tộc vì những đóng góp cho công tác dân tộc địa phương. Năm 2019, chị được nhận huy hiệu 50 năm tuổi đảng và được đề nghị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chị cũng là người có uy tín của huyện Bảo Thắng tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai dự kiến được tổ chức vào ngày 1/10 tới.

Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Với trên 120 chính sách đang được triển khai, Lào Cai đã, đang tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, nhất là hỗ trợ giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống ngay từ mỗi gia đình. Những cán bộ dân tộc thiểu số như chị Phúc chính là cánh tay nối dài của Đảng và chính quyền địa phương, giúp thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc ở mọi địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lào Cai.

Hương Thu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm