Đằng sau cuộc đua tranh giải Oscar

Đằng sau cuộc đua tranh giải Oscar
Những bộ phim kinh điển không giành được Oscar
Những bộ phim kinh điển không giành được Oscar

Ngược lại, trong bản danh sách 100 bộ phim Mỹ hay nhất mọi thời đại do BBC vừa tiến hành khảo sát, chỉ có 12 tác phẩm điện ảnh đoạt giải Oscar. Ngay cả “Cuốn theo chiều gió”, bộ phim được xem như “chuẩn mực của Oscar” cũng ngậm ngùi ở vị trí thứ 97 trên bảng xếp hạng, chỉ xếp trên một bậc so với “thảm họa điện ảnh” của năm 1980 mang tên “Cổng Thiên đàng”. Thậm chí chỉ có 8 đại diện Oscar lọt vào top 75 của danh sách do 62 nhà phê bình phim nổi tiếng khắp thế giới bình chọn này. Vậy đâu là lí do khiến những bộ phim được đánh giá cao lại không được Oscar “đếm xỉa” tới?
Cuộc đua giành tượng vàng
Giải Oscar đóng vai trò thẩm định chất lượng và vinh danh bộ phim xuất sắc nhất. Tuy nhiên đằng sau đó là việc các hãng phim đổ dồn hàng núi tiền vào chiến dịch vận động nhằm đổi lấy lá phiếu của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, tổ chức đứng đằng sau giải Oscar. Chiến dịch vận động cho Oscar là một truyền thống lâu năm và đắt đỏ nhất trong các mùa giải của Hollywood. Theo tờ Thời báo New York, kinh đô điện ảnh Mỹ đã tiêu tốn khoảng 100 - 500 triệu USD mỗi năm vào hoạt động quảng bá rầm rộ các bộ phim nhằm “lôi kéo” hội đồng chấm giải Oscar để mắt và ủng hộ chúng.
“Mọi người luôn ngờ vực về ý tưởng vận động cho giải Oscar bởi nó nghe có vẻ như thiếu trong sạch”, biên tập viên Tim Gray của tờ Variety nhận định, “Nhưng nó đơn thuần là cách mà các hãng phim muốn nói ‘hãy xem phim của chúng tôi nhé’”.
Thực tế đã chứng minh rằng đôi khi giải “Phim xuất sắc nhất” đã thuộc về bộ phim có chiến lược quảng bá hiệu quả nhất chứ không phải bộ phim hay nhất trong mùa giải năm đó. Ít nhất sáu nhà vô địch Oscar gần đây chính là bằng chứng cụ thể nhất. “Khán giả có xu hướng nghĩ rằng những giải thưởng Oscar tượng trưng cho sự xuất chúng, đúng vậy, song đằng sau chúng là những khoản tiền lớn bị kéo theo”, Gray nói thêm.
Cuộc đua giành tượng vàng Oscar thường khởi đầu ít nhất 6 tháng trước đêm trao giải hoành tráng. Các hãng phim bắt đầu đem “đứa con” của mình đi công chiếu “thử sức” tại một số liên hoan phim uy tín như Venice, Tulluride hay Toronto, thường diễn ra vào khoảng tháng 8 - 9 trong năm. Tiếp đến, họ vung tiền tổ chức các sự kiện vận động hơn 6.000 thành viên trong hội đồng Viện Hàn lâm rầm rộ nhất có thể với hàng loạt buổi tiệc chiêu đãi cũng như hoạt động công chiếu sớm ở Bờ Đông và Bờ Tây nước Mỹ. Chỉ tới khi chắc chắn đã tạo được tiếng vang hứa hẹn giành giải vàng, các ứng cử viên tiềm năng mới được công chiếu rộng rãi tới công chúng. Lấy “12 năm nô lệ” - chủ nhân mùa giải 2014 - làm ví dụ. Phim khởi chiếu lần đầu vào ngày 18/10/2013 tại 19 rạp, rồi nới rộng phạm vi vào tháng tiếp theo. Sau khi giành được nhiều lời đề cử, đạo diễn Steve McQueen lúc này mới tung ra một cú hích, đem “12 năm nô lệ” đi công chiếu rộng rãi ở hơn 1.200 rạp phim, được luồng dư luận tán thưởng mạnh mẽ, góp phần vào chiến thắng sau này.
Không đúng thời điểm
Lịch sử Oscar không hề có dấu chân của nhiều bộ phim Mỹ kinh điển. Ngay cả bộ phim đầu bảng do Viện Điện ảnh Mỹ (AFI) bình chọn năm 2007 là “Công dân Kane” cũng từng để mất tượng vàng về tay “Thung lũng của tôi xanh biết bao” trong đêm trao giải năm 1941. Tờ báo Daily Beast thậm chí còn bình luận đây là “sự kiện sỉ nhục nhất lịch sử Oscar”. Hay như việc “Chóng mặt” của Alfred Hitchcock không hề được đề cử năm 1959 cũng là một quyết định bị la ó.
“Công dân Kane” là phim kinh điển không có nghĩa “Thung lũng của tôi xanh biết bao” là phim dở. “Khi ai đó phàn nàn việc ‘Công dân Kane’ không đoạt Oscar, tôi luôn hỏi họ đã xem ‘Thung lũng của tôi xanh biết bao’ hay chưa”, nhà biên tập phim truyện của AFI Bob Birchard nói, “Nó cũng là một bộ phim hay”.
Theo ông Birchard, nguyên nhân dẫn đến vấn đề này chính là yếu tố thời gian. Tại thời điểm “Chóng mặt” ra đời thì khán giả không thích thú với nó, cả những nhà bầu chọn cũng vậy. Về sau này bộ phim mới gây được ấn tượng vì quan điểm của chúng ta đã thay đổi theo thời gian.
Tuy nhiên, việc các phim Oscar không giữ vị trí cao trong danh sách chẳng phải là kết quả gây ngạc nhiên. Giới phê bình phim thế giới xưa nay vẫn mâu thuẫn với các thành viên Viện Hàn lâm trong việc lựa chọn những tác phẩm thật sự xứng đáng để trao tượng vàng Oscar.
Giành được chiến thắng có nghĩa một bộ phim sẽ được công chiếu ngoài rạp lâu hơn, đồng thời gặt hái doanh thu phòng vé lớn hơn. Danh tiếng của nó sẽ kéo dài hơn khi mà các “bạn đồng lứa” đã nhạt nhòa. “Tôi không dám chắc người ta có còn tìm lại ‘Đôi cánh’ (giải Oscar 1927) hay ‘Cavalcade’ (giải Oscar 1933) hay không nếu chúng không có thêm dòng giới thiệu từng đạt giải Oscar”, ông Birchard nói.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm