Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới ở miền núi Thanh Hóa

Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới ở miền núi Thanh Hóa

Xác định công tác dân vận khéo là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống dân vận tại tỉnh Thanh Hóa đã phát huy vai trò, vị trí của mình cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần huy động nguồn lực chung tay xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân.

Tân Phúc là xã vùng khó khăn của huyện miền núi Lang Chánh, xuất phát điểm thấp. Khi xây dựng nông thôn mới, Tân Phúc gặp không ít khó khăn: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ; sản xuất nông, lâm nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ... Để giải quyết hạn chế này, xã xác định công tác dân vận phải đi trước một bước.

Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới ở miền núi Thanh Hóa ảnh 1Nhờ có công tác dân vận khéo, gia đình ông Nguyễn Hữu Đảng - xã Đông Văn (Đông Sơn) đã đồng thuận và tự nguyện lấp toàn bộ khu ao trước nhà và xây hàng rào lùi vào 2 m, với diện tích hơn 100 m2, để mở rộng con đường trước nhà lên gần 7 m. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Theo đó, Đảng ủy xã thành lập 9 Tổ dân vận ở cơ sở, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”; chỉ đạo tổ chức đoàn thể chính trị, chi bộ vận dụng “cẩm nang” dân vận khéo “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để vận động, tập hợp, khuyến khích, khơi dậy sức dân trong thực hiện tiêu chí nông thôn mới.

Đi trên những con đường bê tông sạch, đẹp tại thôn Tân Thành, xã Tân Phúc, ông Lê Văn Hạnh phấn khởi chia sẻ, đây là thành quả của dân vận khéo trong việc khơi dậy lòng dân, sức dân đóng góp tiền của, ngày công để làm đường giao thông nông thôn, trong đó có một phần đóng góp của gia đình ông…

Khẳng định vai trò của công tác dân vận tại địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phúc Lê Quang Tùng cho biết, thông qua dân vận khéo, xã huy động được tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới ở địa phương là 92,8 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 48,8 tỷ đồng (chiếm 52,5%) để xây dựng hạ tầng nông thôn, chỉnh trang xây dựng nhà ở dân cư. Kết quả này là một trong những minh chứng vai trò quan trọng của công tác dân vận ở địa phương.

Để mô hình “Dân vận khéo” ngày càng đi vào thực chất, hằng năm, huyện Lang Chánh đều xây dựng kế hoạch cho các cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân tự nguyện đăng ký thực hiện; đồng thời có hướng dẫn, kiểm tra, tìm ra “cái khéo” trong vận động, tập hợp điển hình nổi bật, có sức lan tỏa để nhân rộng. Đến nay, huyện xây dựng được trên 200 mô hình dân vận khéo, trong đó, có gần 70 mô hình hoạt động hiệu quả ở các xã Trí Nang, Giao An, Quang Hiến...

Năm 2019, thôn 2 được xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân chọn làm điểm xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tiêu chí về cơ sở hạ tầng, bảo hiểm y tế, nước sạch... Xác định công tác dận vận khéo là yếu tố quan trọng, Chi bộ đã chỉ đạo chính quyền và tổ chức đoàn thể thôn tích cực tuyên truyền để bà con tự nguyện đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên đi đầu, tạo phong trào, hiệu ứng lan tỏa.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của người dân, địa phương đã tạo sự đồng thuận cao trong việc đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới. Thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân thôn 2 đã đóng góp tiền mặt, công lao động trị giá gần 1 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng bê tông hóa 0,8 km đường giao thông ngõ xóm, xây dựng 220m tường rào thoáng, xây 130 bồn hoa, 2,7 km rãnh thoát nước...

Ông Dương Minh Chính, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Thanh cho biết, xác định công tác “dân vận khéo” là một trong những yếu tố mang lại thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Thọ Thanh luôn chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để có biện pháp giải quyết phù hợp. Phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị trong tuyên truyền, vận động với nhiều mô hình, cách làm thiết thực, qua đó tác động tích cực đến nhận thức của nhân dân. Việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới" đã góp phần giúp Thọ Thanh xây dựng thành công xã nông thôn mới năm 2019. Xã tiếp tục hoàn thành các tiêu chí để hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Có thể nói, những mô hình “Dân vận khéo” không chỉ làm đổi thay diện mạo các vùng nông thôn mà còn đóng góp tích cực trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác giảm nghèo của địa phương. Nổi bật nhất là cơ sở hạ tầng cơ sở được đầu tư, xây mới, sửa chữa nhiều công trình giao thông, điện, đường, trường, trạm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt và phát triển kinh tế…

Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm