Dân vận khéo góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Cao Bằng

Dân vận khéo góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Cao Bằng
Cao Bằng thực hiện tốt công tác dân vận. Ảnh: baocaobang.vn
Cao Bằng thực hiện tốt công tác dân vận. Ảnh: baocaobang.vn
Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xã Phong Châu (huyện Trùng Khánh) đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình. Trong đó, ông Ngô Quảng Kiếm, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xóm Bài Siêng là người đi đầu trong phong trào vận động bà con chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới. Ông Kiếm cho biết, để tạo sự đồng thuận của người dân, ông đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, người cao tuổi uy tín trong xóm, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về lợi ích xây dựng nông thôn mới. Ông gắn lợi ích của xây dựng nông thôn mới với hương ước, quy ước để các hộ dân tham gia ngày công lao động, đóng góp tiền vào quỹ xóm. Nhờ vận dụng linh hoạt, ông đã vận động một số hộ dân tự tháo dỡ tường rào, cây cối, tự nguyện hiến đất, mở rộng mặt đường từ 1 - 2,8 m; đóng góp tiền và trên 1.000 công lao động làm đường xóm dài 540 m… Tại xã Đào Ngạn (huyện Hà Quảng), mô hình dân vận khéo, vận động nhân dân thực hiện phong trào làm kinh tế giỏi, tổ chức phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt được hiệu quả cao, góp phần tích cực đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bà Lục Thị Phần, Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm Nà Sá, phụ trách mô hình “Dân vận khéo” cho biết, bà đã vận động các hộ trong bản phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn; tích cực học tập khoa học kỹ thuật, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất. Bà con ai cũng hưởng ứng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Dân bản Nà Sả đã hiến trên 2.000 m2 đất, góp trên 2.000 công lao động và gần 5 tỷ đồng để làm 10 km đường giao thông nông thôn, nội đồng và nhà văn hóa. Nói về phong trào thi đua Dân vận khéo, Chủ tịch UBND xã Đa Thông (huyện Thông Nông) Hoàng Thị Huế cho biết, xã đã xây dựng được 2 mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới ở các xóm Đà Sa, Pác Ngàm... Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, với mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Bà Trần Thị Hằng, Trưởng ban Dân vận, Phó ban Chỉ đạo Thường trực Phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Hà Quảng nhận định, công tác dân vận chính là cụ thể hóa đường lối của Đảng đến cơ sở; huy động nhân dân phát huy nội lực, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với cơ sở. Bên cạnh đó, các mô hình “Dân vận khéo” hướng vào giải quyết những vấn đề khâu yếu của cơ sở, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, qua đó củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, huy động nhân dân quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh. Qua 8 năm thực hiện, phong trào “Dân vận khéo” tại tỉnh Cao Bằng đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tiêu biểu như các mô hình “Thanh niên xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Tổ phụ nữ tự quản đường biên cột mốc”; mô hình khéo tuyên truyền vận động, giải thích để quần chúng nhân dân hiểu, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mô hình “Phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị”, “Khéo phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát, kiểm tra, góp ý, xây dựng Đảng, chính quyền địa phương”… Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.400 xóm, tổ dân phố đăng ký thực hiện “Dân vận khéo” với hơn 4.000 mô hình trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 1.120 mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 1.157 mô hình thực hiện phong trào "Dân vận khéo" gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, tác động tích cực đến việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn. Với khẩu hiệu “Việc dễ làm trước, việc khó làm từng bước”, các cấp chính quyền đã triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới tới từng hộ dân, sát với thực tế từng địa phương. Năm 2018, tỉnh có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn tỉnh lên 15 xã. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng Nguyễn Văn Dừa khẳng định, công tác “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị của địa phương. Đặc biệt, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận của các cơ quan trong hệ thống chính trị được nâng lên. Việc triển khai “Năm Dân vận chính quyền 2018” và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp…
Chu Hiệu

Có thể bạn quan tâm