Đan Phượng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng vùng liên kết sản xuất

Để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng vùng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững…

Dan Phuong phat trien nong nghiep cong nghe cao, mo rong vung lien ket san xuat hinh anh 1Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) là một trong 125 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc và là 1 dự án nông nghiệp xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Tôi là nông dân 4.0”.

Là địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Thủ đô, huyện Đan Phượng đã đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị hiện đại, gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Đến nay, huyện đã chuyển đổi được khoảng 2.000 ha đất nông nghiệp, phát triển và xây dựng các mô hình nông nghiệp đạt chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Huyện hiện có 8 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và 3 vùng sản xuất chuyên canh tập trung và nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất. Hiệu quả từ các mô hình, vùng sản xuất này đã góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.

Anh Nguyễn Văn Long ở cụm 4, xã Hồng Hà cho biết, cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Đan Phượng có lợi thế là có các nghề truyền thống giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đối với Hồng Hà, xã hiện có 2 nghề truyền thống thu hút nhiều lao động là nghề làm đậu phụ và nghề nấu rượu. Hiện nay, toàn bộ quá trình nấu rượu đều được tiến hành thủ công, không sử dụng hóa chất, việc làm men rượu bằng các vị thuốc bắc, đến việc sử dụng gạo nếp, gạo tẻ để nấu cơm ủ rượu đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên giữ được uy tín với khách hàng. Sản phẩm rượu nếp cái hoa vàng và sản phẩm rượu nếp nhung của gia đình anh Long đã được cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Trên địa bàn huyện Đan Phượng hiện có Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh (xã Đan Phượng) là hợp tác xã tiêu biểu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, để ứng dụng khoa học - công nghệ, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền trồng nấm hiện đại. Theo đó, nấm của đơn vị được trồng trong môi trường sản xuất ứng dụng công nghệ cao, không sử dụng hóa chất, chất bảo quản, phụ gia, kể cả quá trình đóng gói sản phẩm; hiện cho thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng/ha/năm. Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý cũng là một mô hình tiêu biểu. Theo Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý Nguyễn Đăng Quý, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch từ 2 đến 4 tấn rau xanh với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg; giá trị thu nhập bình quân của hợp tác xã đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm; thu nhập bình quân của mỗi thành viên tham gia đạt từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý là một trong 125 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc và là 1 dự án nông nghiệp xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Tôi là nông dân 4.0" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Theo ông Nguyễn Thạc Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng, theo lộ trình phát triển mà Hà Nội đề ra, từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ trở thành quận. Với lộ trình này, huyện tiến hành xây dựng nông thôn mới nâng cao theo các tiêu chí để lên quận; đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch của huyện phù hợp với tiêu chí đô thị và quy hoạch của thành phố để làm căn cứ triển khai thực hiện. Cùng với hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, huyện Đan Phượng chú trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Trong thời gian tới, huyện Đan Phượng tiếp tục chú trọng đầu tư các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tập trung xây dựng chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt Chương trình OCOP, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Đan Phượng có uy tín trên thị trường.

Thực hiện: Thiện Tâm

Tin liên quan

Nho Hạ đen giúp nông dân Đan Phượng làm giàu

Sau hơn một năm triển khai, mô hình trồng nho Hạ đen tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai có quy mô 9.000 mét vuông, thực hiện tại hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Hợi và hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Quý.


Đan Phượng xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023

Ngày 05/01, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ thời gian tới, trọng tâm là công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện…


Đan Phượng hướng tới huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Hà Nội

Năm 2015, Đan Phượng trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội. Từ kết quả đạt được, Đan Phượng tiếp tục phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của thành phố. Đến thời điểm này, với 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Đan Phượng đang về đích huyện nông thôn mới nâng cao…



Đề xuất