Đàn môi của người Mông

Đàn môi của người Mông

Chiếc đàn môi hay còn được gọi là kèn môi của người Mông chỉ là một mảnh lá đồng vừa giòn lại vừa dai, dài khoảng 5 – 7cm, có hình dạng giống lá lúa, một đầu cuốn lại hoặc đánh dẹt làm tay cầm, một đầu vát nhọn để gảy. Ở chính giữa là một cái lưỡi gà. Nhìn thì đơn giản, nhưng để chế tác ra chúng là cả sự kỳ công của người thợ và không phải bất cứ ai cũng có thể làm được.

Đo đàn bằng tay

IMG7856480x320.jpg

Chiếc đàn môi của người Mông. Ảnh: VTC

Trên khoảng sân rộng nhà ông Hoàng Mình Giáo ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, đám thanh niên đang vây quanh xem ông Giáo làm kèn môi. Thanh đồng lá dài khoảng 10 cm, có chiều rộng chừng gần một đốt ngón tay đã được cắt và đặt sẵn lên chiếc đe. Ông áp sát bàn tay phải sần sùi của mình cạnh chúng và chia thành 2 đoạn. Đoạn dài bằng 3 đốt ngón tay được chia đôi: một phần để làm lưỡi gà và một làm đầu gảy, khoảng lòng bàn tay còn lại dùng làm tay cầm của đàn.

Đo xong, ông Giáo giữ chặt phần tay cầm của đàn, rồi lấy búa đinh tán mỏng đoạn ở giữa thanh đồng, mà ông bảo đây là khâu quan trọng nhất trong việc tạo lưỡi gà, quyết định âm thanh chuẩn của kèn môi: “Phải đập phần này thật mỏng, để sau này nó có độ đàn hồi của âm thanh, tiếng phát ra mới trong. Nhưng mỏng vừa thôi, mỏng quá sẽ gãy mất. Nhìn này, nó chỉ mỏng hơn phần tay cầm một chút là mình phải lấy đục tạo lưỡi gà”.

Nói rồi tay ông thoăn thoắt cầm chiếc đục lưỡi mảnh cắt vát hai bên phần đồng vừa tán tạo thành chiếc lưỡi gà, ở phần cuối lưỡi được cắt nhọn và dát mỏng. Công việc hoàn thành, ông lấy đục khía mạnh vào hai bên thành thanh đồng hằn thành vết từ lưỡi gà lên phía tay cầm.

Úp ngược chiếc kèn môi, rồi ấn xuống, ông lấy búa đập nhẹ liên hồi phía tay cầm đến khi hai bên thành thanh đồng cuốn lại, tách hẳn với lưỡi gà. Vậy là xong một chiếc kèn môi. Trông xa nó giống như cái ngòi bút máy được phóng đại.

“Cái lưỡi gà phải được cắt thật khít thì âm thanh mới vang, nếu không sẽ không sinh ra âm thanh hoặc có âm thanh lạ. Đồng thời phần gảy và phần tay cầm phải cân nhau, tăng độ rung cho kèn và kèn không cong khi gảy. Một chiếc kèn môi chuẩn phải làm được như thế. Kèn môi cũng có nhiều loại, đây là loại đơn giản, dễ làm nhất. Loại phức tạp hơn thì phải vẽ mẫu trước, rồi sau đó mới làm theo. Nếu làm loại 3 lưỡi gà thì 150.000 đồng/chiếc, loại 1 lưỡi gà thì 50.000 đồng/chiếc”  – ông Giáo cho hay.

Nhưng khi phần đầu và phần cuối kèn môi cân nhau mà âm thanh phát ra vẫn méo thì phải làm sao? Theo ông Giáo, chỉ cần mang kèn môi vùi vào giữa bãi tro thật nóng khiến lưỡi gà làm bỏng cả tay người sờ, để nguội rồi thổi sẽ có âm thanh trong và chuẩn. “Xong kèn môi, ta làm một cái ống nứa để đựng kèn môi vào đó để bảo vệ và ống nứa cũng có tác dụng giữ cho âm sắc của kèn môi không thay đổi. Đó, đút vào túi áo, khi muốn thổi thì rút ra, đưa lên miệng và biểu diễn”.

GS Trần Quang Hải, một trong những người sáng lập ra Hiệp hội đàn môi thế giới cho biết, có khoảng 30 nước trên thế giới có đàn môi. Tuy nhiên, sự phong phú và độ chuẩn về bồi âm thì đàn môi của Việt Nam nằm trong tốp đầu.

Ngoài dân  tộc Mông ở miền Bắc, ở Tây Nguyên, miền Trung có rất nhiều dân tộc khác như Jrai, Bahnar, Êđê, Xơ Đăng, M’nông… cũng có đàn môi. Chúng được làm bằng thanh tre, lưỡi gà bằng sắt. Hoặc được làm hoàn toàn bằng tre. Vì thế, âm thanh rất khác so với đàn môi của người Mông. Khi đánh lên âm thanh đàn môi của người Mông sẽ rền vang hơn, da diết hơn. 

1103_danmoi.jpg

Muốn chơi đàn môi hay phải mất nhiều thời gian luyện tập. Ảnh: IE

Thổi đàn môi phải biết giữ hơi

Muốn thổi được đàn môi nhất thiết người thổi đàn môi phải biết giữ hơi. Đó là bí quyết. Đặt chiếc đàn môi lên môi thổi nhẹ, sau đó dùng ngón tay trỏ gảy trên đầu lưỡi của nhạc khí và di chuyển qua lại giữa hai hàm răng, trong khi cổ họng phát ra các nguyên âm a, e, i, o, u... để làm thay đổi thể tích không khí lọt ra ngoài, nhờ đó âm thanh phát ra sẽ có những cao độ khác nhau, tạo nên những âm điệu đặc trưng của đàn môi.

GS Trần Quang Hải phân tích: “Khi gảy đàn, lưỡi gà có độ rung. Khoang miệng của người thổi chính là cái bầu rỗng cộng hưởng phát ra tiếng to, nhỏ, thanh, trầm như lái theo ý của người thổi. Để đàn môi ở giữa môi, khảy bằng chỗ nhọn của đàn môi cho một âm thanh chủ âm. Khi đánh thay đổi khối lượng khoang miệng thì tạo ra thành cao độ khác nhau”.

Bà Châu Thị Mê, 68 tuổi, ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, Lào Cai nói rằng, muốn chơi thật hay phải tập luyện mất nhiều thời gian. Người chơi phải biết cách sử dụng hơi thở của mình sao cho thổi ra, hít vào thật nhẹ nhàng, đưa đẩy khoang miệng phù hợp mới có thể phát ra được thứ âm thanh rủ rỉ, đủ để cho hai người hiểu nhau.

“Giữ hơi không như mình nói chuyện đâu, chỉ giữ mỗi tí vào cổ thôi. Mình thổi rất ít thì mới nói chuyện được với cái kèn môi đấy cơ. Rất khó. Lúc tỏ tình nó khó lắm cơ. Mình giữ hơi, hơi to quá thì nó không kêu nhiều đâu. Phải giữ hơi nhỏ nhỏ thì nó mới giữ hơi được hay. Mình cũng tập đấy, tập khó lắm”.

Âm sắc của đàn môi mô phỏng theo làn điệu dân ca Mông, tạo ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc rất riêng biệt và độc đáo, là lời tâm tình thủ thỉ, yêu thương, trìu mến mà chỉ hai người yêu nhau mới có thể hiểu được nội dung của bài đàn. Anh Giàng A Sài bảo, đôi trai gái yêu nhau nhưng vì nề nếp, gia phong họ không thể mặt đối mặt để mà thổ lộ. Vậy là đêm xuống, đứng bên ngoài bức vách ngôi nhà, chàng trai Mông mượn tiếng đàn môi để bày tỏ nỗi lòng với người con gái mình yêu mến.

“Người con gái ngủ trong buồng, người con trai ở ngoài dùng tiếng đàn môi thay cho lời nói. Gảy đàn môi thì biết bạn kia nói gì, mình nói gì. Nhớ hay thương, hay là ghét. Có hết. Nó giống như lời tâm sự của hai người với nhau nhưng không dùng lời nói mà dùng tiếng đàn môi. Bạn sẽ biết đối tượng của mình đang buồn, đang vui hoặc đang chán đời gì đó”.

Với đàn môi, phải là hai người yêu nhau họ có thể ngồi thổi cho nhau nghe hàng giờ, thậm chí là thâu đêm suốt sáng. Nhưng một khi đã không yêu nhau, không hiểu nhau thì chẳng bao giờ tiếng đàn môi của đôi trai gái có thể xướng họa cùng nhau.

Ngày trước, đến bản người Mông, bạn có thể nghe thấy tiếng đàn môi dập dìu mỗi tối. Nay, điện thoại, internet về đến tận bản, tiếng đàn môi vì thế mà thưa dần… 

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm