Đầm Ròn "khát" nước

Đầm Ròn "khát" nước
Trong cơn đại hạn
Dồn dập các đợt nắng nóng kinh hoàng đã khiến hàng trăm hecta cà phê 3 xã Đầm Ròn (Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông) ngắc ngoải chờ chết. Gần 60ha lúa mất trắng vì không thể sản xuất. Có mặt tại điểm cực hạn ở xã Đạ Long trong những ngày cuối tháng 4, chứng kiến cảnh người nông dân nơi đây đang đứng ngồi không yên - người người và nhà nhà chạy hạn. Trên cánh đồng Chăn Hung, anh Cil Zôn (thôn 3) mặt buồn rượi cho biết: “Hạn nặng quá, phần lớn cây lúa, hoa màu đã cháy rụi hết cả rồi. Chúng tôi ở trên đất này từ nhỏ tới lớn, chưa thấy năm nào hạn nặng như năm nay. Nhà có hơn 4 sào ruộng lúa, mọi năm lúc ruộng khô thì vẫn lấy nước ở ao, ở suối để tưới cũng kiếm được khoảng 20 bao lúa để ăn, nhưng năm nay suối cạn, ao cạn, mặt ruộng nứt nẻ không thể sản xuất. Gia đình 6 miệng ăn không biết trông chờ vào gì để khỏi đói”. 
 
Mỗi ngày, anh Cil Ha Chiên phải đi hơn 2km vác nước về nhà để sử dụng.
Mỗi ngày, anh Cil Ha Chiên phải đi hơn 2km vác nước về nhà để sử dụng.
Những năm trước, các cánh đồng  ở Tu La, Đa Xế, Cọp, Măng Tung (Đạ M’Rông) tuy vào mùa khô hạn nhưng vẫn còn nước để sản xuất, năm nay thì sông, suối khô rốc... nên những cánh đồng trù phú ngày nào giờ nứt nẻ, vựa lúa đang có nguy cơ mất trắng vì không còn nguồn nước nào để cứu. Ông Con Jông Ha Bông, thôn Liêng K’rắc 2, xã Đạ M’Rông đang rất lo lắng bởi với diện tích gần 4 sào cà phê của ông đang trong thời điểm nuôi quả, rất cần nước tưới, nhưng hiện nay, nước sinh hoạt còn thiếu thì việc tìm kiếm nguồn nước tưới cho diện tích cà phê trên là điều không thể. Ông Bông chia sẻ: “Với tình hình thời tiết khô hạn như hiện nay, nếu trong thời gian tới không có mưa thì nguy cơ mất mùa sẽ xảy ra, dù biết vậy nhưng với khả năng tài chính có hạn, gia đình tôi không thể sử dụng phương tiện máy móc để bơm tưới được”. 
Không có nước để giải hạn ruộng đồng đã đành, nhiều nơi ở Đầm Ròn người dân đang rất khó khăn tìm nguồn nước để sinh hoạt. Hiện mực nước sông, suối trên địa bàn đang xuống thấp; nhiều giếng, hồ chứa nước đã cạn trơ đáy; một số công trình cấp nước sinh hoạt hư hỏng, bà con phải dồn hết thời gian và sức lực cho việc kiếm đủ nguồn nước sinh hoạt mỗi ngày, nhiều người phải dùng tất cả chai, lọ đi vài cây số tìm nước. Anh Cil Ha Chiên ở thôn 3 (Đạ Long) hằng ngày phải vác nước từ thôn 1 cách đó 2km để đem nước về nhà sử dụng. Anh Chiên cho biết: “Đường ống nước được kéo từ trên đồi về thôn 1 thì nhỏ, nhưng hằng ngày có hàng trăm người tới đây để lấy nước về dùng, mọi người chen chúc từ 3h sáng mới có một vài can nước về cho gia đình sử dụng”.
Đến thời điểm hiện tại, Đầm Ròn có 722 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó, xã Đạ Long có hơn 503 hộ, xã Đạ Tông có 79 hộ, xã Đạ M’Rông có 140 hộ. 
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Cil Ha Noen, Chủ tịch UBND xã Đạ M’Rông cho biết, do lượng mưa quá thấp, nông dân đối mặt với muôn vàn khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi đã ra sức, tìm mọi cách để chống hạn, đặc biệt là huy động sức dân nạo vét khơi thông các dòng chảy, hướng dẫn nông dân áp dụng những phương pháp tưới phun mưa, nhỏ giọt; gieo trồng các cây chịu hạn; tổ chức đào giếng, ao hồ dự trữ nước. Trong thời gian tới, tại cánh đồng Đa Xế, chúng tôi tập trung triển khai mô hình trồng bắp để tiết kiệm nguồn nước tăng hiệu quả sản xuất cây trồng, vận động các hộ chăn nuôi gia súc di chuyển đàn nuôi đến khu vực chủ động nguồn thức ăn để tránh thiệt hại.
Tại xã Đạ Tông, đối với các diện tích lúa chưa gieo sạ, đã huy động nhân dân tập trung tất cả các nguồn nhân lực, vật lực hiện có của thôn, buôn, hộ gia đình (máy cày, máy tưới, vòi tưới, cuốc, xẻng...) dẫn nước về ruộng với tổng diện tích khoảng 100ha. Đồng thời tìm các giải pháp thiết thực để đưa một số diện tích thiếu nước sản xuất chuyển sang trồng cây thực phẩm cần ít nước hơn như khoai, bắp, đậu, rau các loại. Đối với các diện tích lúa đã gieo sạ và cây công nghiệp dài ngày đang khô hạn, thiếu nước, đã huy động nhân dân tập trung máy tưới, vòi tưới, đắp mương, tích nước tưới tiêu chống hạn với tổng diện tích khoảng 120ha. Đối với các công trình thủy lợi, đã cử tổ kiểm tra và nhanh chóng thuê người đục đá để khơi dòng nước chảy. Kết quả là khai thông, nâng cấp được 3km kênh mương, thủy lợi, đã đưa nước về ruộng được khoảng 70ha. Còn tại xã Đạ Long, hiện UBND xã đang lập danh sách hỗ trợ nhân dân 60 cái giếng để nhân dân lấy nước sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông thì, mùa mưa còn xa, mọi kỳ vọng đều đặt vào mưa tiểu mãn nhưng rất bấp bênh vì có thể mưa sẽ không xảy ra. Trước tình hình hạn hán diễn biến ngày càng khó lường, Phòng Nông nghiệp đã yêu cầu Đội thủy nông tăng cường bám sát điều tiết nước cho khu vực bị ảnh hưởng để cứu lúa. Đồng thời, phân công cán bộ hàng tuần bám sát địa bàn, phối hợp với Trung tâm Quản lý khai thác công trình công cộng và UBND các xã kiểm tra, theo dõi mực nước trên kênh, lượng nước tưới tại các cánh đồng, đôn đốc thực hiện công tác chống hạn; huy động phương tiện sẵn có để chủ động chống hạn, vận động nhân dân chủ động đào ao để tích nước, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương...

Trong thời gian tới, những vùng đất khát nước của Đầm Ròn cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng biện pháp tưới tiết kiệm và không nhất thiết phải trồng lúa vì hiện sản phẩm của nhiều loại cây trồng cạn đang có giá trị cao. Có như vậy mới có thể đưa nông dân “vượt hạn”, đảm bảo được thu nhập. Bên cạnh đó, UBND huyện Đam Rông còn hỗ trợ 873 triệu đồng, từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, mua sắm nông cụ, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó sẽ tập trung đào ao, khoan giếng..., hỗ trợ nước sinh hoạt cho vùng thiếu nước sinh hoạt cấp bách với tinh thần chỉ đạo của tỉnh là không để dân đói, dân khát; không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm