Đậm đà bản sắc dân tộc trong đám cưới người Mông ở Cao Bằng

Đậm đà bản sắc dân tộc trong đám cưới người Mông ở Cao Bằng
Trang phục cưới của cô dâu, chú rể người Mông.
Trang phục cưới của cô dâu, chú rể người Mông.
Cũng như một số dân tộc khác, người Mông ở Cao Bằng có đời sống văn hóa dân tộc đậm nét. Một trong những nét văn hóa đó được thể hiện trong đám cưới. Để có đám cưới như ngày hôm nay, người con trai, con gái Mông phải trải qua quá trình tìm hiểu. Quá trình ấy diễn ra đặc biệt hơn so với các dân tộc khác. Đến tuổi trưởng thành, người con trai Mông tự do đi tìm vợ, khi ưng cô nào thì có thể đưa cô gái đó về nhà, thậm chí còn có thể kéo tay hoặc tổ chức “cướp” cô gái mình yêu về nhà. Ngay hôm cô gái đến nhà, gia đình nhà trai báo cho bên nhà gái biết. Trong ba hôm, nếu người con gái không bỏ về nhà, thì gia đình nhà trai lấy tấm khăn vấn đầu cùng dải thắt lưng của người phụ nữ cuộn thành vòng tròn rồi buộc hai đầu lại (gọi là Pênh Pa) treo lên gian giữa nhà nơi thờ tổ tiên (đây là vật báo hỷ với tổ tiên và gia đình đôi bên). 

Sau đó, gia đình nhà trai tìm hai ông mối và hai người phụ việc đưa lễ sang nhà gái. Ông mối thường là người trong họ, khi đi sang nhà gái, ông mối sẽ đeo cuộn Pênh Pa bên sườn. Đến nơi, ông mối có trách nhiệm trao cuộn Pênh Pa cho ông mối nhà gái. Cuộn Pênh Pa sẽ được treo lên trên trước bàn thờ tổ tiên để trình báo tổ tiên gia đình nhà gái. Sau đó, đôi bên bàn định ngày cưới. Đám cưới người Mông được tổ chức đơn giản, tùy điều kiện ở từng nơi, từng điều kiện gia đình mà nhà gái thách cưới. Lễ vật gồm rượu, thịt lợn và tiền mặt.

Ở vùng Đa Thông, nhà trai thường sắm lễ sang nhà gái khoảng một tạ thịt lợn, hai chum rượu cùng với số tiền mặt từ 2 - 3 triệu đồng. Từ chiều hôm trước, nhà trai đã cho những người giúp việc đi theo hai ông mối đưa rượu và thịt lợn sang nhà gái. Lễ vật nhà trai đưa đến được đem cúng tổ tiên cùng thần thổ công đầu bản.

Buổi tối trước ngày diễn ra lễ cưới, khi nhà trai thịt lợn thì phần nội tạng, đặc biệt là tim, gan sẽ mời những người anh em họ hàng thân thích đến ăn, những người này sau đó có trách nhiệm giúp gia đình nhà trai chuẩn bị lễ cưới chu đáo, thuận lợi nhất. Và đặc biệt, những ai tham dự bữa cơm chiều hôm trước thì dù công việc nhà đám có vất vả đến đâu cũng không được kêu ca, phàn nàn và theo quan niệm của đồng bào Mông thì đây gọi là bữa cơm anh em.Trong lễ cưới, đứng ở cổng tiếp khách là anh em ruột thịt trong gia đình gia chủ, sau khi bắt tay khách, đại diện gia chủ mời khách vào nhà rồi mời riêng khách 1 chén rượu thể hiện lòng mến khách, sự chân tình, nồng hậu. Trong lễ đón dâu, đoàn đi đón dâu gồm: Hai ông mối, hai người phụ việc, chú rể, phù rể, phù dâu. Tùy thuộc vào chặng đường đón dâu, từ sớm tinh mơ, đoàn đón dâu đã lên đường, ông mối đeo cuộn Pênh Pa, người giúp việc đem theo nắm cơm, thịt, rượu ăn dọc đường, phù rể xách một đôi gà nhỏ gồm một con trống và một con mái. Theo tục lệ, dù đón dâu ở gần hay xa, thì cứ đi được một đoạn đường cả đoàn phải ngồi nghỉ ăn bữa cơm phụ dọc đường. Người ta hái lá rừng và bày thức ăn đồ uống ra. Trước khi ăn, ông mối dùng lá cây rót ít rượu cùng chiếc đầu gà cúng các vị thần sông, thần núi, thần cây... Bài cúng có nội dung như sau:

“Chín núi có chín thần trông

Chín khe có chín vị coi

Chín đèo có chín vị quản

Thần sinh ra đất ra đai,

Thần sinh sông ra suối...

Hôm nay nhà họ Dương

Ở Lũng Lừa xã Đa Thông

Có tổ chức đưa đón dâu.

Đến đây chúng tôi dừng chân ăn bữa cơm.

Mời tất cả các thần cùng ăn bữa cơm dọc đường

Vị ở xa thì dùng tay,

Vị ở gần thì dùng mồm.

Ăn xong phù hộ cho chúng tôi.

Đi đường không bị dây rừng quấn chân,

Không bị dây rừng cuốn tay.

Đi đến nơi về đến chốn...”.


Thủ tục bên nhà gái, đoàn đón dâu cùng đại diện và cha mẹ nhà gái ăn bữa cơm thân mật. Ông mối đôi bên cùng dặn dò đôi vợ chồng trẻ. Gia chủ cảm ơn ông mối và đưa phong bì lì xì gọi là tiền “thù lao” cho những người tham gia đưa đón dâu với mục đích lấy may cho họ và phong bì được chia như sau: Người phù dâu phù rể được 1/2 số tiền của ông mối. Người phụ việc được 1/2 số tiền của người phù dâu phù rể. Sau khi cuộn Pênh Pa được ông mối treo lên chỗ trang trọng nhất trong nhà thì cô dâu, chú rể phải cúi lạy cảm ơn cha mẹ đã có công sinh thành nuôi dưỡng, cảm ơn anh em họ hàng đã cùng giúp đỡ để đám cưới diễn ra tốt đẹp và cúi lạy 2 ông mối. Mọi người đến mừng cưới, trai gái hát giao duyên đến tàn đêm.

Gia đình nhà gái chuẩn bị rượu, thịt để đoàn đưa đón dâu ăn bữa phụ dọc đường. Cuộn Pênh Pa được ông mối nhà gái trao lại cho ông mối bên nhà trai đem về.          

 Đám cưới người Mông ở huyện Thông Nông là một trong những nét sinh hoạt văn hóa tinh thần còn lưu giữ lại nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc sưu tầm khai thác và bảo tồn những nét đẹp của đám cưới người Mông là điều cần thiết trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm