Đám cưới của người Sán Chỉ ở Cao Bằng

Đám cưới của người Sán Chỉ ở Cao Bằng
Theo ông Hoàng Văn Châu, xóm Nà Ngàm B, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) - người có nhiều năm làm quan lang (“Ay tà”) trong các đám cưới của dân tộc mình, trước đám cưới, người Sán Chỉ phải ăn hỏi 3 lần. Lần thứ nhất đi hỏi, nhà trai phải mời “Ay tà” và “Dìn đoong phà” (bà đón) đến nhà gái hỏi. Nếu đồng ý gả con gái thì nhà gái sẽ thịt gà, nấu cơm mời đoàn nhà trai. Lần thứ 2 là nhà gái thách cưới, tùy vào điều kiện kinh tế và sự thấu hiểu, thông cảm giữa 2 gia đình. Nhưng lễ vật thách cưới không bao giờ được thiếu hơn 100 kg thịt lợn và bạc trắng (ngày nay không dùng bạc trắng mà quy đổi ra tiền Việt Nam đồng). Nếu nhà trai chấp thuận và đáp ứng thách cưới thì sẽ tiến hành lễ ăn hỏi chính thức, gọi là “nhìn chảy mùn xe”.
 
Cô dâu che mặt, phù dâu cầm ô để che cho cô dâu trong suốt quãng đường sang nhà trai.
Cô dâu che mặt, phù dâu cầm ô để che cho cô dâu trong suốt quãng đường sang nhà trai.

Lễ ăn hỏi được “Ay tà” và “Dìn đoong phà” dẫn đầu cùng 2 thanh niên chưa vợ cùng người nhà trai khiêng thịt lợn, gánh một đôi gà trống mái và rượu trắng. Đến làng, nhà trai phải tìm một nhà người quen gần nhà gái ở nhờ, sau đó thông báo cho nhà gái là nhà trai đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật thách cưới, nếu nhà gái chấp thuận thì nhà trai mới được đem thịt gà, lợn, nấu cơm mời mỗi nhà 1 người trong làng nhà gái đến ăn uống.

Đến ngày cưới gọi là “ay tíu slịp bong”, nhà gái tổ chức tiệc cưới trước 1 ngày. Tại nhà trai, trước khi sang nhà gái, những lễ vật của những người đi đón dâu đều được tập trung lại chính giữa nhà để quan lang làm phép. Khi xuất phát, quan lang ra khỏi nhà đầu tiên, đứng dưới mái nhà làm phép và giương ô lên; những người trong đoàn đón dâu lần lượt chui đi qua dưới cánh tay ông.
 
Phù dâu che ô, dắt tay cô dâu trên đường sang nhà trai. Ảnh: baocaobang.com
Phù dâu che ô, dắt tay cô dâu trên đường sang nhà trai.
Ảnh: baocaobang.com

Theo quan niệm của đồng bào, hồn vía của những người trong đoàn đón dâu đã nằm gọn trong chiếc ô ấy, trên đường đi họ không sợ bị ma tà, quỷ quái làm hại. Nghi thức này sẽ được lặp lại trong ngày hôm sau tại nhà gái, lúc đoàn đưa đón dâu trở về nhà trai. Nét khác biệt trong đám cưới của người Sán Chỉ phải kể đến vai trò của một cô gái đón dâu  gọi là “pá chíp”. Pá chíp giắt theo con dao và cái ô, trên đường sang nhà trai sẽ dùng con dao đập vào những vật chắn ngang đường cho cô dâu đi, giăng ô đã được quan lang làm phép để che chở cho cô dâu suốt đường đi. “Pá chíp” còn có nhiệm vụ dẫn cô dâu ra giếng hoặc nơi có mỏ nước gánh về hai ống bương đầy nước và ra cánh rừng đem về một bó củi trước khi cô dâu trở về nhà bố mẹ đẻ.

Theo tập tục của người Sán Chỉ, cô dâu dùng khăn che mặt và phải đi chân đất ra khỏi nhà, khi đi cần chậm chạp để lại hai vệt chân đi từ nhà ra khỏi xóm. Trên đường đi, lúc qua cầu, khi vượt suối, cô dâu phải bỏ lại trên cầu, ném xuống suối một đồng xu hoặc vài hạt gạo. Khi đoàn đưa đón dâu về tới nhà, nhà trai làm lễ cúng gia tiên, đồng thời dọn đến cho cô dâu một mâm cơm gọi là bữa cơm lấy giờ gia nhập và một cô gái chưa xây dựng gia đình trong làng sẽ đeo chiếc vòng tay bằng bạc cho cô dâu. Sau bữa cơm ông mối lập cúng. Trên bàn cúng người ta lấy chiếc khăn, áo hoặc tấm vải chàm, hai chén rượu, 2 nhẫn bạc với một đĩa gan lợn.

Người Sán Chỉ gọi đó là “chăm láu phéo sinh slay” (lễ tơ hồng). Ông mối cúng và làm phép, hai tay chao đi chao lại hai chén rượu, cho hai tay luồn dưới vạt áo làm hình tượng âm dương giao hòa, sau đó hai tay đưa chéo nhau hai chén rượu cho cô dâu chú rể uống rượu cùng với một miếng gan luộc trong đĩa, mỗi người nhận lấy chiếc nhẫn và chiếc khăn hoặc tấm vải chàm.

Ngày hôm sau cô dâu trở về nhà bố mẹ đẻ, còn chú rể thì đến hôm sau mới cùng em gái ruột hoặc em gái họ mang theo lễ vật sang nhà gái. Sang ngày thứ ba, cô dâu cùng chú rể đem theo lễ vật sang thăm ông bà mối. Họ cũng coi đó là lễ lại mặt, bởi theo tục lệ người Sán Chỉ, chàng rể coi ông bà mối là bố mẹ thứ hai. Từ đây ông bà mối được đôi vợ chồng trẻ gọi là “lắc xứng”, ông bà mối gọi cô dâu chú rể là “mè xứng”. Cho đến khi ông bà mối lìa đời thì hai vợ chồng sẽ đến cúng tế, để tang như đối với bố mẹ.

Hiện nay những hủ tục trong đám cưới đã được người Sán Chỉ lược bỏ để phù hợp với nếp sống văn minh và quy định trong việc cưới của Nhà nước.             
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm