Đảm bảo lồng ghép bình đẳng giới trong các chính sách biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Ảnh: dangcongsan.vn
Việt Nam là một trong những quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Ảnh: dangcongsan.vn

Chính phủ Việt Nam đã đệ trình bản cập nhật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), trong đó cam kết tăng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho đến năm 2030. Điều quan trọng là lần đầu tiên Việt Nam lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và bao trùm xã hội vào bản cập nhật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định. Việc này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít những quốc gia trên thế giới coi bình đẳng giới như một nội dung xuyên suốt trong bản cập nhật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định của mình.

Đảm bảo lồng ghép bình đẳng giới trong các chính sách biến đổi khí hậu ảnh 1Việt Nam là một trong những quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Ảnh: dangcongsan.vn

Tác động của biến đổi khí hậu gắn với yếu tố giới

Thực tiễn trong những năm qua, biến đổi khí hậu ở Việt Nam diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thấy rõ nhất là đối với ngành Nông nghiệp. Với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á, ở Việt Nam, trong sản xuất nông nghiệp, lúa là loại cây trồng chủ lực và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa hàng năm chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Theo tính toán của Tổng cục thống kê, giai đoạn 2011-2016, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa chiếm trung bình khoảng 66,1%. Riêng năm 2016 hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 527,7 ngàn ha lúa bị thiệt hại, trong đó khoảng 44% diện tích bị thiệt hại hoàn toàn. Đối với các loại cây trồng khác như hoa màu, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày cũng bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng giảm khoảng 50% do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu còn tác động đến chăn nuôi, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, cháy rừng, các hệ sinh thái đất ngập nước, nuôi trồng thủy sản…

Báo cáo “Thực trạng bình đẳng giới và biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Lồng ghép giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UNWomen), Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường phối hợp thực hiện. Báo cáo đã phân tích việc lồng ghép giới trong các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải và năng lượng tái tạo, nhằm kêu gọi hành động ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, nông nghiệp là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu ở Việt Nam và phụ nữ thường chịu tác động lớn hơn vì họ chiếm phần đông lực lượng lao động. Sự phân công lao động theo giới trong từng lĩnh vực và trách nhiệm mà phụ nữ phải đảm nhận thêm do các chuẩn mực giới thường hạn chế sự tham gia tích cực của họ vào việc ra quyết định trong và ngoài phạm vi hộ gia đình. Phụ nữ ở các vùng nông thôn được Chính phủ tạo điều kiện tiếp cận tín dụng ưu đãi nhưng hiện không có thông tin nêu bật mối liên hệ của chương trình này với tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu hoặc mức độ chịu rủi ro khí hậu của phụ nữ. Ở nông thôn, phụ nữ cần tiếp cận với công nghệ mới và đa dạng hóa sinh kế để chủ động ứng phó những tác động của biến đổi khí hậu.

Vấn đề an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu thường gây ra tác động nghiêm trọng hơn đến phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, vì vai trò truyền thống trong gia đình, phụ nữ thường là người đi lấy nước chính. Điều đó đã hạn chế các cơ hội tiếp xúc và tham gia các hoạt động xã hội, giáo dục và kinh tế của họ. Mặc dù phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho gia đình nhưng trong nhiều chính sách quốc gia liên quan đến tài nguyên nước và giới, phụ nữ được coi là một trong nhiều nhóm dễ bị tổn thương và chủ yếu được coi là đối tượng thụ hưởng nên các chính sách hiếm khi tập trung vào phụ nữ như những tác nhân tiềm năng để bảo vệ tài nguyên nước. Hầu hết các chính sách hiện có về quản lý tài nguyên nước chưa đề cập đến yếu tố giới, do đó chưa ứng phó hiệu quả với các tác động có yếu tố giới của tình trạng khan hiếm nước mà còn có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ chế giám sát và đánh giá về lồng ghép giới trong các chính sách quản lý tài nguyên nước.

Về quản lý chất thải, phụ nữ thường chịu trách nhiệm về công việc gia đình cũng như thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt nhưng sự tham gia của họ trong việc ra quyết định về xử lý rác thải còn hạn chế do nam giới thường hay tham gia vào các quá trình tham vấn cộng đồng hơn. Lao động nữ chiếm phần lớn trong lực lượng lao động phi chính thức tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Trong ngành năng lượng, hầu hết các công việc trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và kỹ thuật được coi là chỉ phù hợp với nam giới theo truyền thống. Do đó, sự đóng góp của phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp hơn đáng kể. Sự tham gia của lao động nữ trong phát triển năng lượng tái tạo bị ảnh hưởng nhiều bởi các chuẩn mực giới…

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, giới và biến đổi khí hậu là những vấn đề liên ngành cần sự chung tay của các quốc gia và toàn thể xã hội. Báo cáo này có mục đích cung cấp điểm khởi đầu để thúc đẩy lồng ghép giới trong chính sách khí hậu ở Việt Nam và góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển bền vững: Bình đẳng giới và biến đổi khí hậu. Hiện nay, Việt Nam đang cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Vì vậy, những kết quả trong báo cáo nghiên cứu này sẽ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách khi đề cập bình đẳng giới trong chiến lược.

Xây dựng xã hội có sức chống chịu với khí hậu

Đảm bảo lồng ghép bình đẳng giới trong các chính sách biến đổi khí hậu, cần nâng cao nhận thức và năng lực cho các nhà hoạch định chính sách. Thông qua thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ, công tác này cần được thực hiện ở cấp cao nhất của các bộ, ngành giữ trọng trách ứng phó với biến đổi khí hậu. Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cần được tăng cường và thể hiện rõ ràng hơn trong các quá trình tham vấn và ra quyết định, thay vì chỉ trong triển khai thực hiện.

Đối thoại và trao đổi giữa các cơ quan về giới cần được thường xuyên tổ chức, năng lực kỹ thuật của các bên tham gia đối thoại cần được chú trọng hơn. Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, tăng cường truyền tải mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và giới, giáo dục học sinh, sinh viên về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và giới, đồng thời khuyến khích học sinh nữ đăng ký theo học các ngành liên quan tới khoa học môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phương pháp tiếp cận nhiều bên nên được áp dụng, trong đó tiến hành xác định các bên liên quan chính trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các bộ, ngành, cần có chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia Khoa học- Kỹ thuật- Cộng nghệ và Toán (STEM) bằng cách tài trợ học bổng và trao thưởng cho phụ nữ, góp phần nâng cao năng lực của phụ nữ về áp dụng công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này ngày càng trở nên thiết yếu trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động vận động chính sách về lồng ghép giới trong chính sách biến đổi khí hậu.

Cung cấp hướng dẫn rõ ràng và dễ sử dụng về cách thức lồng ghép vấn đề giới trong chính sách khí hậu cho các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan khác trên cơ sở cập nhật và hoàn thiện các tài liệu kỹ thuật hiện có. Thực hiện nghiên cứu tác động giới của biến đổi khí hậu theo ngành và khu vực.

Ông Mozaharul Alam, Điều phối viên khu vực châu Á-Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc bày tỏ hy vọng, những phát hiện chính của báo cáo này và các khuyến nghị cho các ngành nghề chính sẽ hữu ích cho các đối tác Chính phủ để đảm bảo việc giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu có đáp ứng giới, đảo bảo nguyên tắc bao trùm và dựa trên quyền để chúng ta có thể cùng xây dựng một tương lai thực sự bền vững cho thế hệ này và các thế hệ mai sau.

Biến đổi khí hậu là vấn đề có tính toàn cầu, chỉ một mình Việt Nam sẽ không giải quyết được, chính vì vậy cần có sự phối hợp với các tổ chức, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa Việt Nam đã cam kết cùng nỗ lực toàn cầu để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chính vì vậy cần tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế, nắm bắt cơ hội để có những chuyển giao về khoa học công nghệ thế hệ mới, đầu tư tài chính và kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hồng Điệp-Diệu Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm