Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer ở huyện vùng sâu Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã được bê tông hóa. Ảnh: Lê Sen
Về huyện vùng sâu Vĩnh Thuận (Kiên Giang), trong những ngày đồng bào dân tộc Khmer chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (diễn ra từ ngày 13 - 16/4/2021, nhằm các ngày mùng 2, 3, 4 và 5/3 âm lịch), dễ nhận ra những đổi thay nhanh chóng với những con đường bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà mới khang trang. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Những thành tựu đạt được trong năm 2020 đã tạo động lực, niềm tin để Đảng bộ và nhân dân trong huyện triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2021.

Huyện Vĩnh Thuận có 81.875 người dân, trong đó đồng bào Khmer có 5.826 người, chiếm hơn 7%, sống chủ yếu ở các xã Vĩnh Phong, Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Phong Đông.
Những năm qua, cùng với nguồn vốn Trung ương, tỉnh, Đảng bộ huyện Vĩnh Thuận cũng đã huy động từ nhiều nguồn vốn để tập trung chăm lo cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc Khmer.
Chị Thị Điệp, ngụ ấp Ruộng Sạ 1, xã Vĩnh Phong, vui vẻ cho biết, gần đến Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, gia đình đã chuẩn bị sẵn mọi thứ. Với hơn 3.000 m2 đất vườn, gia đình chị trồng đủ loại rau màu, cách mấy ngày cho thu hoạch hơn một triệu đồng. Với số tiền này hai vợ chồng chị tiết kiệm, làm nhà mới.
Theo ông Đặng Văn Nguyện, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Phong, trước đây gia đình chị Thị Điệp thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, nhưng nhờ vốn vay chính sách xã hội với số tiền 40 triệu đồng, gia đình chị đã cải tạo lại đất vườn tạp sau nhà, nuôi thêm lợn, gà vịt…
Nhờ chí thú làm ăn, gia đình chị Điệp đã thoát nghèo. Từng là hộ nghèo nên gia đình chị biết cảm thông những hộ nghèo khác, giúp giống, vốn cho nhiều hộ dân tộc Khmer trên địa bàn cùng thoát nghèo.
Ông Danh Dung, ngụ ấp Cái Nhum, xã Phong Đông, cho biết đất ruộng ở vùng quê này ngày trước không làm được lúa do bị nhiễm phèn, mặn, đa số rơi vào diện nghèo. Những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư bắc cầu, làm đường, kéo điện lưới quốc gia về sinh hoạt, nhất là đất được quy hoạch, chuyển đổi sang nuôi tôm, cua, đời sống của người dân nơi đây dần thay đổi.
Với 2 ha đất nuôi tôm, cua, mỗi năm gia đình ông Dung thu về vài trăm triệu đồng. Gần hai năm nay, ông Dung còn học hỏi để nuôi chồn hương, cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Ông Danh Dung cho biết, với quy hoạch chuyển đổi mô hình sản xuất đúng đắn, đến nay hầu hết bà con ở Cái Nhum đều xóa được nghèo khó.
Ông Danh Lượng, ngụ ấp Vĩnh Tây 1, xã Vĩnh Phong, vừa trúng đậm vụ tôm, cua, vui vẻ cho biết: "Gia đình tôi đã chuẩn bị quần áo mới, trà, bánh... để đón năm mới. Nhờ mấy năm nay được Nhà nước đầu tư nạo vét kênh mương xả phèn, tháo úng nên không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều hộ trên địa bàn xã trúng mùa, mua sắm thêm dụng cụ phục vụ sản xuất. Gia đình tôi có gần 5 ha đất, năm nay tổng thu nhập từ tôm, cua khoảng 700 triệu đồng, nên chuẩn bị đón tết lớn hơn mọi năm".

Ông Danh Hùng, hàng xóm của ông Lượng, cho biết nếu không có chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, nhất là các con rạch dẫn nước từ sông lớn Chắc Băng để bà con nuôi tôm, cua thì không biết đến bao giờ vùng đất này mới chuyển mình như hôm nay.
Cũng nhờ vậy, hơn 5 năm qua, gia đình ông Danh Hùng luôn trúng mùa vụ tôm, trả được nợ, cất nhà mới và mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị trong gia đình. Ông Danh Hùng cho biết, chưa bao giờ chuẩn bị đón tết cổ truyền của đồng bào dân tộc vui đến vậy.
Vừa nhận món quà của lãnh đạo địa phương tặng nhân dịp năm mới, ông Danh Hai, ngụ ấp Cái Nhum, xã Phong Đông, xúc động cho biết: "Do ruộng đất ít, lại đông con nên cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình tôi rất vui là được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo, nhất là vào những ngày tết như thế này đã tiếp thêm động lực để chúng tôi phấn đấu".
Không chỉ gia đình ông Danh Hai được quan tâm, còn nhiều người nghèo cũng được lãnh đạo tỉnh, huyện tổ chức đến thăm, tặng quà tết để đón năm mới. Số tiền, quà tuy không nhiều, nhưng người dân cảm nhận được sự ấm áp, chia sẻ của Đảng bộ, chính quyền biết quan tâm, chăm lo, giúp họ vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Theo ông Danh Đấu, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Vĩnh Tây 1 (xã Vĩnh Phong), đến nay, toàn ấp có 378 hộ, trong đó có 73 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Điều đáng mừng, toàn ấp chỉ còn 8 hộ nghèo, riêng hộ đồng bào Khmer đã xóa nghèo, chỉ còn 6 hộ cận nghèo và trên 50% hộ Khmer có mức sống từ khá trở trên.
Đại đức Danh Dung, trụ trì chùa Đồng Chanh, xã Vĩnh Bình Bắc, cho biết, Tết năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà chùa tổ chức lễ đơn giản chỉ cầu an, cầu siêu. Chùa dán thông báo trước cổng các quy định về phòng, chống dịch, bố trí các bàn để nước rửa tay khử khuẩn, phát khẩu trang và vận động phật tử nên thực hiện nghi lễ và đón Tết tại nhà.

Theo ông Lê Văn Gìn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện Vĩnh Thuận, chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo đã được đồng bào, các chùa tạm thời hoãn lại, hoặc tổ chức trong khuôn khổ đảm bảo nghi lễ truyền thống nhưng đúng quy định của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch.
Bài và ảnh: Lê Sen