Đắk Nông: Xây dựng thương hiệu “Lúa gạo Krông Nô”

Đắk Nông: Xây dựng thương hiệu “Lúa gạo Krông Nô”
Nông dân thu hoạch lúa bằng cơ giới tại cách đồng mẫu lớn xã Buôn Choáh (Krông Nô).
Nông dân thu hoạch lúa bằng cơ giới tại cách đồng mẫu lớn xã Buôn Choáh (Krông Nô).
HÌNH THÀNH VÙNG CHUYÊN CANH LÚA CHẤT LƯỢNG CAO

Huyện Krông Nô được xem là có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước và sinh thái phù hợp cho phát triển nền nông nghiệp đa dạng, với các loại cây trồng, nhất là cây lương thực như lúa, ngô, khoai lang…

Là huyện trọng điểm lương thực của tỉnh, giá trị sản suất nông nghiệp chiếm 65% trong cơ cấu kinh tế của huyện, hàng năm sản xuất ra khoảng 130.000 tấn lương thực. Công tác giống và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật được nông dân áp dụng rộng rãi. Các loại cây lương thực lúa, ngô đã được sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao.

Riêng về cây lúa thì hàng năm, diện tích gieo cấy vào khoảng 4.500ha, sản lượng đạt hơn 62.000 tấn lúa, tương đương khoảng 42.000 tấn gạo. Gạo Krông Nô là một trong những sản phẩm “đặc sản” đã và đang được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhờ đặc trưng riêng có như hương vị, dinh dưỡng, vi lượng…

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng với các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, những năm gần đây, huyện đã triển khai có hiệu quả các mô hình, quy hoạch vùng trồng tập trung, nâng cao giá trị và dần tạo thương hiệu cho sản phẩm nông sản. Vì vậy, hiện nay, Krông Nô đã hình thành vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 1.270 ha. Trong đó, xã Buôn Choáh 500 ha, xã Nâm N’đir 300 ha, xã Nam Đà 150 ha, xã Đắk Drô 100 ha, xã Đức Xuyên 100 ha, xã Đắk Nang 120 ha.

Thương hiệu gạo Buôn Choáh (Krông Nô) được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thương hiệu gạo Buôn Choáh (Krông Nô) được người tiêu dùng ưa chuộng.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU, NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM

Có một thực tế, thời gian qua, thị trường tiêu thụ gạo Krông Nô chưa ổn định, người tiêu dùng chưa được sử dụng sản phẩm gạo theo đúng chất lượng thật, ảnh hưởng đến uy tín và kinh tế của nông dân trồng lúa huyện Krông Nô.

Trước tình hình đó, UBND huyện Krông Nô đã triển khai đề án “Xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể lúa gạo huyện Krông Nô” với mục đích khẳng định và nâng cao giá trị sản phẩm gạo, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý địa phương.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì các sản phẩm nông nghiệp của huyện, nhất là lúa gạo có khả năng tạo ra lượng hàng hóa lớn, chất lượng ổn định. Các sản phẩm gạo Krông Nô hiện đã có mặt tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo sẽ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế, góp phần duy trì, bảo vệ danh tiếng đối với hàng hóa, sản phẩm, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo, giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm. Từ đó, thương hiệu sẽ khuyến khích sản xuất phát triển, doanh thu tăng lên, giải quyết việc làm, đời sống người dân được ổn định…

Các mô hình cánh đồng mẫu, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đang được triển khai thực hiện ở các xã của huyện Krông Nô
Các mô hình cánh đồng mẫu, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đang được triển khai thực hiện ở các xã của huyện Krông Nô
Với hướng đi này, để tiếp tục nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, bảo đảm xúc tiến thương mại có hiệu quả, huyện cũng đang tập trung vào việc đưa các giống mới, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của huyện vào sản xuất. Thông qua đó, sản phẩm lúa gạo sẽ tạo ra đặc trưng riêng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường nói chung.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể  “Lúa gạo Krông Nô” là một quá trình chứ không thể ngày một ngày hai là xong. Trong đó, việc nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho cộng đồng cũng như xác định các giải pháp hữu hiệu để làm gia tăng giá trị sản phẩm và từng bước quản lý, quảng bá nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm lúa gạo là vấn đề hết sức cần thiết, đang được huyện đặt ra một cách nghiêm túc.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm