Đắk Nông ưu tiên nguồn lực cho “vùng trũng” trong xây dựng nông thôn mới

Đắk Nông ưu tiên nguồn lực cho “vùng trũng” trong xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Đắk Nông đang tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, trong bối cảnh đời sống đa số nông dân gặp nhiều khó khăn do giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực xuống thấp và tình hình dịch bệnh chăn nuôi diễn biến phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến một số mục tiêu trong năm 2020 đạt thấp.

Đắk Nông ưu tiên nguồn lực cho “vùng trũng” trong xây dựng nông thôn mới ảnh 1Trung tâm xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, một trong những xã đi đầu của tỉnh Đắk Nông về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Đắk G’Long và Tuy Đức là hai huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông. Đây là hai huyện vẫn còn “trắng” xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh và là hai trong số 45 huyện của cả nước chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của hai huyện này hiện đều trên dưới 40%, nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo khoảng 60%. Trong khi theo quy định, để đạt chuẩn xã nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương phải đạt dưới 7%.

Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và ưu tiên trong phân bổ nguồn lực của địa phương, huyện Đắk G’Long và Tuy Đức đã có nhiều thay đổi tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Năm 2018, hai huyện này đã được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững theo quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Trong 3 năm (2018 – 2020), tỉnh Đắk Nông đã đầu tư hơn 18 tỷ đồng để thực hiện đề án giảm nghèo. Một trong những ưu tiên hàng đầu của hai địa phương là phát triển các mô hình làm ăn hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, đối với các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, như điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hóa… các huyện Đắk G’Long, Tuy Đức thuộc diện ưu tiên cao nhất. Hai huyện này còn được ưu tiên phân bổ nguồn lực để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, vì đây là “vùng trũng” hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Dự kiến, cuối năm nay 2020, Đắk G’Long sẽ có xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới là Quảng Khê, nơi đặt trung tâm hành chính của huyện.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 – 2020 của Chính phủ, Đắk Nông đã triển khai nhiều chương trình giảm nghèo, mô hình sản xuất có hiệu quả tại 4 xã của tỉnh, gồm Đắk Wil (huyện Cư Jút); Thuận Hà (huyện Đắk Song); Đắk Búk So và Quảng Trực (huyện Tuy Đức). Kết quả, xã biên giới Đắk Wil đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại cũng được ưu tiên nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm tỷ lệ hộ nghèo và đạt thêm nhiều tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, từ năm 2018 đến nay, giá cả nhiều loại mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Nông (như cà phê, tiêu, cao su…) xuống thấp khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó là tình hình dịch bệnh trên nhiều loại vật nuôi diễn biến phức tạp. Việc huy động nguồn lực từ người dân để xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương đã “chững” lại. Vấn đề đẩy mạnh các tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình liên kết sản xuất cũng gặp những khó khăn tương tự.

Trong năm 2020, Đắk Nông được Trung ương giao 230 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã phân bổ cho các huyện, thành phố hơn 150 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng; hơn 16 tỷ đồng để thực hiện đề án hỗ trợ thôn, bon của xã khó khăn khu vực biên giới xây dựng nông thôn mới; gần 10 tỷ đồng để hỗ trợ các kết cấu hạ tầng các hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh phân bổ gần 50 tỷ đồng cho các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chương trình mỗi xã một sản phẩm; chương trình phát triển hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở…

Đến nay, Đắk Nông đã có 22/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 36,7%). Nhiều tiêu chí “khó” về hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn đạt thấp, như đường giao thông chỉ có 63,3% số xã đạt; hai tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hóa đều chỉ đạt 56,7%… Nhiều tiêu chí liên quan tới tổ chức sản xuất, thu nhập không tăng so với năm trước, tiêu biểu như: thu nhập chỉ có 75% số xã đạt, không thay đổi so với năm 2019; các tiêu chí về tỉ lệ hộ nghèo, y tế, môi trường - an toàn thực phẩm, văn hóa… không thay đổi so với năm trước hoặc thay đổi rất thấp.

Cũng theo ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, mặc dù nhận được sự quan tâm, ưu tiên trong phân bổ vốn đầu tư từ trung ương, nhưng nhìn chung việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới tại Đắk Nông trong mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn và kết quả rất hạn chế. Nguồn hỗ trợ trực tiếp từ trung ương rất thấp, chỉ khoảng 1,8 tỷ đồng/xã/năm. Vốn huy động trong dân, trong doanh nghiệp đạt thấp do tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn tới, Đắk Nông mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm, ưu tiên phân bổ nguồn lực, nhất là đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới của tỉnh; tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 – 2020 của Chính phủ, đồng thời bổ sung một số xã đặc biệt khó khăn của Đắk Nông vào danh mục các xã được hưởng lợi từ đề án.

Hưng Thịnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm