Đắk Nông tiêm bổ sung một số vắc xin cho trẻ em

Ngày 10/9, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh vừa ký kế hoạch tiêm bổ sung một số vắc xin cho trẻ em tại các vùng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo đó, dự kiến sẽ có hơn 110.000 trẻ em được tiêm bổ sung, đảm bảo tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin ít nhất là 95%.

Dak Nong tiem bo sung mot so vac xin cho tre em hinh anh 1 Ngành y tế mượn tạm lớp học ở để tổ chức điều tra dịch tễ, khám, điều trị bệnh bạch hầu tại Đắk Nông. Ảnh: TTXVN

Theo kế hoạch, trong năm 2019, tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin bại liệt tại Đắk Nông đạt 85,9%. Cũng trong năm này, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin sởi – rubella đạt trên 90% nhưng không đồng đều theo quy mô xã; toàn tỉnh ghi nhận 458 trường hợp mắc sởi và 32 trường hợp mắc rubella. Về tình hình bệnh bạch hầu, uốn ván, trong các năm 2017 – 2019 Đắk Nông ghi nhận 6 trường hợp uốn ván sơ sinh; từ đầu năm 2020 đến nay Đắk Nông ghi nhận 1 trường hợp tử vong do uốn ván sơ sinh, 39 trường hợp dương tính với bạch hầu (trong đó có 2 trường hợp tử vong).

Cũng theo kế hoạch, ngành y tế Đắk Nông sẽ tiêm bổ sung các loại vắc xin bại liệt, sởi – rubella, uốn ván – bạch hầu giảm liều và cho uống bổ sung vắc xin bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi tại các vùng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của chương trình là bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt; tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, nhất là tại các vùng có nguy cơ cao; giảm tỷ lệ mắc sởi – rubella và đảm bảo an toàn, hạn chế các tai biến tiêm chủng.

Để đảm bảo mục tiêu đề ra, ngành y tế Đắk Nông sẽ triển khai đồng thời việc tiêm vắc xin tại trường học, nhà trẻ, trạm y tế và các điểm tiêm chủng ngoài trạm đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận. Nguồn vắc xin, bơm kim tiêm và các trang thiết bị liên quan do Trung ương cung cấp; các chi phí còn lại được trích từ ngân sách địa phương.

Hưng Thịnh

Tin liên quan

Đắk Nông: Ngày 10/9 sẽ hoàn thành tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu

Ngày 28/8, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông cho biết, toàn bộ 37 bệnh nhân tại tỉnh dương tính với vi khuẩn bạch hầu đều đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện. Tính đến ngày 28/8, tỉnh Đắk Nông có 27 ngày không ghi nhận ca bệnh mới dương tính với vi khuẩn bạch hầu.


Hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên dập dịch bạch hầu

Ngày 21/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, làm Trưởng đoàn, cùng với các Tổ công tác của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có buổi làm việc với đại diện ngành y tế các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum về công tác khám, điều trị bệnh bạch hầu.



Đề xuất